Việc luân chuyển cán bộ được thực hiện theo nguyên tắc nào?

Nguyên tắc luân chuyển cán bộ được quy định thế nào? Xin chào Quý Ban biên tập. Tôi hiện đang công tác tại cơ quan nhà nước ở Đà Nẵng. Tôi được biết Ban chấp hành Trung ương vừa ban hành quy định mới về công tác luân chuyển cán bộ. Tôi thắc mắc không biết theo quy định này thì việc luân chuyển cán bộ được thực hiện theo nguyên tắc nào? Nội dung này tôi có thể tham khảo thêm tại đâu? Rất mong sớm nhận được phản hồi từ các chuyên gia. Xin chân thành cảm ơn và kính chúc sức khỏe!  Thu Hằng (hang***@gmail.com)

Ngày 07/10/2017, Ban Chấp hành Trung ương ban hành Quy định 98-QĐ/TW năm 2017 về luân chuyển cán bộ. Theo đó, một trong những mục đích của công tác luân chuyển cán bộ là tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chủ trương, nghị quyết của Đảng về công tác cán bộ và luân chuyển cán bộ, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ ngang tầm nhiệm vụ trong từng giai đoạn.

Nguyên tắc luân chuyển cán bộ là một trong những nội dung trọng tâm và được quy định tại Điều 2 Quy định 98-QĐ/TW năm 2017. Cụ thể như sau:

1- Công tác luân chuyển cán bộ phải đặt dưới sự lãnh đạo thường xuyên, trực tiếp, toàn diện của các cấp uỷ, tổ chức đảng; bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ, phát huy vai trò, trách nhiệm của tập thể lãnh đạo và người đứng đầu; giải quyết tốt mối quan hệ giữa luân chuyển với ổn định và xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên sâu; vừa coi trọng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác, vừa coi trọng mục đích bồi dưỡng, rèn luyện cán bộ, chuẩn bị đội ngũ cán bộ kế cận.

2- Luân chuyển cán bộ phải bảo đảm tổng thể, đồng bộ, liên thông, thường xuyên, liên tục, có luân chuyển dọc, luân chuyển ngang giữa các cơ quan, đơn vị trong toàn hệ thống chính trị; phải gắn kết chặt chẽ với quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá, sắp xếp, bố trí, sử dụng cán bộ.

3- Bố trí cân đối, hài hoà giữa luân chuyển cán bộ với việc phát triển nguồn cán bộ tại chỗ. Nói chung, chỉ luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý, không luân chuyển cán bộ làm công tác chuyên môn, nghiệp vụ (trừ trường hợp nhằm mục đích tăng cường cán bộ cho cơ sở, cho lĩnh vực hoặc địa bàn cần thiết).

Không điều động về Trung ương, về địa phương hoặc sang địa phương khác những cán bộ bị kỷ luật, năng lực yếu, uy tín giảm sút, không có triển vọng phát triển.

4- Cán bộ luân chuyển phải là cán bộ trẻ, trong quy hoạch, có triển vọng phát triển; có phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống và năng lực công tác tốt; quan tâm lựa chọn, phát hiện cán bộ trẻ có năng lực nổi trội.

5- Việc luân chuyển cán bộ phải có kế hoạch cụ thể và có lộ trình từng bước thực hiện; có cơ chế, chính sách đồng bộ, thống nhất để tạo môi trường, điều kiện cho cán bộ luân chuyển phát huy năng lực, sở trường, chuyên môn, rèn luyện, tích luỹ kinh nghiệm thực tiễn; đồng thời, có quy định quản lý, giám sát đối với cán bộ luân chuyển.

6- Việc xem xét, bố trí cán bộ sau luân chuyển phải căn cứ vào yêu cầu nhiệm vụ, tình hình thực tiễn; kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị gắn với trách nhiệm cá nhân của cán bộ được luân chuyển và nhận xét, đánh giá cán bộ.

Trên đây là nội dung tư vấn đối với thắc mắc của bạn về nguyên tắc luân chuyển cán bộ. Để hiểu chi tiết hơn vấn đề này, bạn vui lòng tham khảo thêm tại Quy định 98-QĐ/TW năm 2017.

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Luân chuyển cán bộ

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào