Quy định của pháp luật về việc xác minh nội dung khiếu nại của Bảo hiểm xã hội
Pháp luật về việc xác minh nội dung khiếu nại của Bảo hiểm xã hội tại Điều 25 Quyết định 868/QĐ-BHXH năm 2016 Quy định về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, cụ thể như sau:
1. Người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu có trách nhiệm kiểm tra lại quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định, hành vi về BHXH bị khiếu nại.
Sau khi kiểm tra lại, nếu thấy khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định, hành vi về BHXH là đúng thì người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu phải ra quyết định giải quyết khiếu nại ngay. Riêng đối với khiếu nại quyết định kỷ luật công chức, viên chức, nếu xét thấy nội dung khiếu nại đã rõ thì người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại yêu cầu Hội đồng kỷ luật công chức, viên chức xem xét để đề nghị người có thẩm quyền giải quyết.
2. Quyết định xác minh nội dung khiếu nại
Người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc lần hai tự mình tiến hành xác minh hoặc thành lập Đoàn xác minh hoặc Tổ xác minh nội dung khiếu nại (gọi chung là Tổ xác minh), quyết định về việc xác minh nội dung khiếu nại thực hiện theo Mẫu số 13/KN.
3. Kế hoạch xác minh nội dung khiếu nại
Trong trường hợp thành lập Tổ xác minh thì Tổ trưởng Tổ xác minh có trách nhiệm lập kế hoạch xác minh nội dung khiếu nại, trình người ra quyết định thành lập Tổ xác minh phê duyệt và tổ chức thực hiện. Kế hoạch xác minh nội dung khiếu nại bao gồm:
a) Căn cứ pháp lý để tiến hành xác minh;
b) Mục đích, yêu cầu của việc xác minh;
c) Nội dung xác minh;
d) Cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân phải làm việc để thu thập, xác minh các thông tin, tài liệu, bằng chứng;
đ) Các điều kiện, phương tiện phục vụ cho việc xác minh;
e) Dự kiến thời gian thực hiện từng công việc, nhiệm vụ cụ thể của từng thành viên; thời gian dự phòng để xử lý các công việc phát sinh;
g) Việc báo cáo tiến độ thực hiện;
h) Các nội dung khác (nếu có).
4. Tiến hành xác minh nội dung khiếu nại
Việc xác minh nội dung khiếu nại phải bảo đảm khách quan, chính xác, kịp thời và được người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại hoặc người có trách nhiệm xác minh nội dung khiếu nại tiến hành theo trình tự sau:
a) Trong trường hợp cần thiết thì công bố quyết định xác minh nội dung khiếu nại tại cơ quan, tổ chức, đơn vị của người bị khiếu nại hoặc tại trụ sở cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi phát sinh khiếu nại và lập thành biên bản (Mẫu số 14/KNTC);
b) Làm việc trực tiếp và yêu cầu người khiếu nại hoặc người đại diện, người được ủy quyền, luật sư, trợ giúp viên pháp lý của người khiếu nại cung cấp thông tin, tài liệu, bằng chứng có liên quan đến nhân thân, nội dung khiếu nại. Nội dung làm việc được lập thành biên bản (Mẫu số 14/KNTC);
Trong trường hợp không làm việc trực tiếp vì lý do khách quan thì có văn bản yêu cầu người khiếu nại hoặc người đại diện, người được ủy quyền, luật sư, trợ giúp viên pháp lý của người khiếu nại cung cấp thông tin, tài liệu, bằng chứng để làm rõ nội dung khiếu nại;
c) Làm việc trực tiếp và yêu cầu người bị khiếu nại cung cấp thông tin, tài liệu, bằng chứng liên quan đến nội dung bị khiếu nại, giải trình về quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định, hành vi về BHXH bị khiếu nại. Nội dung làm việc được lập thành biên bản (Mẫu số 14/KNTC);
d) Gửi văn bản yêu cầu cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan cung cấp thông tin, tài liệu, bằng chứng liên quan đến nội dung khiếu nại (Mẫu số 15/KNTC);
Trong trường hợp làm việc trực tiếp với cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan thì phải thông báo trước thời gian, địa điểm, nội dung làm việc và yêu cầu cung cấp các thông tin, tài liệu, bằng chứng phục vụ cho buổi làm việc. Nội dung làm việc được lập thành biên bản (Mẫu số 14/KNTC);
đ) Tiếp nhận, xử lý thông tin, tài liệu, bằng chứng: Khi tiếp nhận thông tin, tài liệu, bằng chứng do người khiếu nại hoặc người đại diện, người được ủy quyền, luật sư, trợ giúp viên pháp lý của người khiếu nại, người bị khiếu nại, cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân cung cấp trực tiếp thì phải lập giấy biên nhận (Mẫu số 01/KNTC);
e) Xác minh thực tế (khi cần thiết) để thu thập, kiểm tra, xác định tính chính xác, hợp pháp, đầy đủ của các thông tin, tài liệu, bằng chứng liên quan đến nội dung vụ việc khiếu nại. Việc xác minh thực tế phải lập thành biên bản (Mẫu số 14/KNTC);
g) Trưng cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giám định khi xét thấy cần có sự đánh giá về nội dung liên quan đến chuyên môn, kỹ thuật làm căn cứ cho việc kết luận nội dung khiếu nại. Việc trưng cầu giám định thực hiện bằng văn bản (Mẫu số 16/KNTC);
h) Làm việc với người khiếu nại, người bị khiếu nại trong trường hợp kết quả xác minh khác với thông tin, tài liệu, bằng chứng do người khiếu nại, người bị khiếu nại cung cấp. Trường hợp cần thiết thì mời cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan tham gia làm việc và lập thành biên bản (Mẫu số 14/KNTC).
5. Báo cáo kết quả xác minh nội dung khiếu nại
a) Người có trách nhiệm xác minh hoặc Tổ trưởng Tổ xác minh phải báo cáo kết quả xác minh nội dung khiếu nại bằng văn bản với người giải quyết khiếu nại hoặc người ban hành quyết định thành lập Tổ xác minh (Mẫu số 17/KN);
b) Báo cáo kết quả xác minh nội dung khiếu nại phải thể hiện rõ thông tin về người khiếu nại, người bị khiếu nại; quyết định hành chính, hành vi hành chính hoặc quyết định, hành vi về BHXH bị khiếu nại; yêu cầu của người khiếu nại, căn cứ để khiếu nại; kết quả giải quyết khiếu nại trước đó (nếu có); kết quả xác minh đối với từng nội dung được giao xác minh; kết luận nội dung khiếu nại được giao xác minh là đúng toàn bộ, sai toàn bộ hoặc đúng một phần; kiến nghị giữ nguyên, hủy bỏ toàn bộ hoặc sửa đổi, bổ sung một phần quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định, hành vi về BHXH bị khiếu nại; kiến nghị về việc ban hành quyết định giải quyết khiếu nại.
Trên đây là nội dung câu trả lời đối với những quy định của pháp luật về việc xác minh nội dung khiếu nại của Bảo hiểm xã hội. Để hiểu rõ và chi tiết hơn về vấn đề này bạn có thể tìm đọc và tham khảo thêm tại Quyết định 868/QĐ-BHXH.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật