Quy định của pháp luật về đơn không thuộc thẩm quyền giải quyết của Bảo hiểm xã hội
Pháp luật quy định về đơn không thuộc thẩm quyền giải quyết của Bảo hiểm xã hội cụ thể tại Điều 22 Quyết định 868/QĐ-BHXH năm 2016 Quy định về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, như sau:
1. Đơn khiếu nại không thuộc thẩm quyền giải quyết thì hướng dẫn người khiếu nại gửi đơn đến cơ quan, đơn vị, người có thẩm quyền để được giải quyết theo quy định của pháp luật. Trường hợp đơn khiếu nại có họ tên, chữ ký của nhiều người thì hướng dẫn cho một người khiếu nại có họ tên, địa chỉ rõ ràng gửi đơn đến đúng cơ quan, đơn vị, người có thẩm quyền giải quyết.
Việc hướng dẫn chỉ được thực hiện một lần đối với công dân (Mẫu số 08/KN).
2. Đơn khiếu nại lần hai về quyết định kỷ luật công chức, viên chức của Tổng Giám đốc thì hướng dẫn người khiếu nại gửi đơn khiếu nại đến Bộ trưởng Bộ Nội vụ để được xem xét (Mẫu số 07/KN).
3. Đơn khiếu nại do đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các thành viên của Mặt trận, các cơ quan báo chí hoặc các cơ quan khác nhận được và chuyển đến nhưng không thuộc thẩm quyền, trách nhiệm giải quyết thì gửi trả lại đơn kèm theo các tài liệu (nếu có), nêu rõ lý do không giải quyết (Mẫu số 09/KN).
4. Đơn kiến nghị, phản ánh không thuộc thẩm quyền thì Thủ trưởng đơn vị xem xét, quyết định việc chuyển đơn và các tài liệu kèm theo đến cơ quan, tổ chức, đơn vị, người có thẩm quyền để giải quyết theo quy định của pháp luật.
Trên đây là nội dung câu trả lời về quy định của pháp luật về đơn không thuộc thẩm quyền giải quyết của Bảo hiểm xã hội. Để hiểu rõ và chi tiết hơn về vấn đề này bạn có thể tìm đọc và tham khảo thêm tại Quyết định 868/QĐ-BHXH.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật