Tiêu chuẩn, trách nhiệm của người làm nhiệm vụ tiếp công dân của Bảo hiểm xã hội

Tiêu chuẩn, trách nhiệm của người làm nhiệm vụ tiếp công dân của Bảo hiểm xã hội được quy định như thế nào? Xin chào Ban biên tập Thư Ký Luật, tôi là Nguyễn Đức Minh hiện đang sinh sống và làm việc tại Ninh Bình, gần đây tôi đang tìm hiểu quy định của pháp luật về việc giải quyết khiếu nại tố cáo của Bảo hiểm xã hội, nhưng có thắc mắc tôi muốn nhờ Ban biên tập Thư Ký Luật giải đáp giúp như sau: Tiêu chuẩn, trách nhiệm của người làm nhiệm vụ tiếp công dân của Bảo hiểm xã hội được quy định như thế nào? Nội dung này được quy định ở đâu? Mong nhận được câu trả lời từ Ban biên tập. Tôi xin chân thành cảm ơn Ban biên tập Thư Ký Luật.

Tiêu chuẩn, trách nhiệm của người làm nhiệm vụ tiếp công dân của Bảo hiểm xã hội được quy định tại Điều 9 Quyết định 868/QĐ-BHXH năm 2016 Quy định về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, cụ thể như sau:

1. Tiêu chuẩn của người làm nhiệm vụ tiếp công dân

Người làm nhiệm vụ tiếp công dân phải có phẩm chất đạo đức tốt, có ý thức trách nhiệm, khách quan, công tâm, am hiểu chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và nắm vững các quy định về BHXH, BHTN, BHYT.

2. Trách nhiệm của người tiếp công dân

a) Khi tiếp công dân, người tiếp công dân phải bảo đảm trang phục chỉnh tề, có đeo thẻ công chức, viên chức hoặc phù hiệu theo quy định;

b) Có thái độ đúng mực, tôn trọng công dân, lắng nghe, tiếp nhận đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, ghi chép đầy đủ, chính xác nội dung công dân trình bày;

c) Giải thích, hướng dẫn công dân chấp hành chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật, kết luận, quyết định giải quyết đã có hiệu lực pháp luật của cơ quan có thẩm quyền; hướng dẫn công dân đến đúng cơ quan hoặc người có thẩm quyền giải quyết;

d) Tiếp nhận và chuyển đơn đến Văn thư cơ quan theo quy định và thông báo kết quả xử lý để công dân biết;

đ) Giữ bí mật họ, tên, địa chỉ, bút tích của người tố cáo;

e) Yêu cầu người vi phạm nội quy nơi tiếp công dân chấm dứt hành vi vi phạm; trong trường hợp cần thiết, lập biên bản về việc vi phạm và yêu cầu cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật;

g) Chuẩn bị hồ sơ, tài liệu liên quan để Thủ trưởng cơ quan tiếp công dân;

h) Thực hiện nhiệm vụ khác do người phụ trách địa điểm tiếp công dân giao.

Trên đây là nội dung câu trả lời về tiêu chuẩn, trách nhiệm của người làm nhiệm vụ tiếp công dân của Bảo hiểm xã hội theo quy định. Để hiểu rõ và chi tiết hơn về vấn đề này bạn có thể tìm đọc và tham khảo thêm tại Quyết định 868/QĐ-BHXH.

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Bảo hiểm xã hội

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào