Tiến hành kiểm toán ngân sách địa phương được thực hiện như thế nào?
Tiến hành kiểm toán ngân sách địa phương được quy định tại Điều 16 Quy trình kiểm toán ngân sách địa phương của Tổng Kiểm toán nhà nước ban hành kèm theo Quyết định 06/2017/QĐ-KTNN như sau:
Ngoài việc thực hiện theo quy định tại Điều 18 Chương III của Quy trình kiểm toán của Kiểm toán nhà nước, khi tiến hành kiểm toán ngân sách địa phương cần chú ý một số nội dung sau:
1. Nghiên cứu, đánh giá hệ thống kiểm soát nội bộ, các thông tin tài chính, thông tin khác có liên quan để hoàn thiện hoặc sửa đổi Kế hoạch kiểm toán chi tiết (nếu cần thiết):
a) Trường hợp khảo sát lập Kế hoạch kiểm toán tổng quát, thu thập thông tin chưa được đầy đủ tại các đơn vị lựa chọn kiểm toán chi tiết, nhưng chưa có điều kiện khảo sát bổ sung trong thời gian trước khi triển khai kiểm toán, Tổ kiểm toán thực hiện thu thập bổ sung đầy đủ các thông tin còn thiếu để hoàn thiện Kế hoạch kiểm toán chi tiết trình Trưởng đoàn phê duyệt.
b) Trong quá trình thực hiện kiểm toán, nếu có phát sinh cần thay đổi Kế hoạch kiểm toán chi tiết: Tổ trưởng Tổ kiểm toán phải có tờ trình Trưởng đoàn nêu rõ lý do thay đổi để Trưởng đoàn xem xét phê duyệt (nếu thuộc thẩm quyền phân cấp của Trưởng đoàn theo quy định của Kiểm toán nhà nước) hoặc để Trưởng đoàn trình xin ý kiến của cấp có thẩm quyền phê duyệt (nếu thuộc thẩm quyền phân cấp của cấp trên theo quy định của Kiểm toán nhà nước) và chỉ được thực hiện khi đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
2. Thu thập và đánh giá bằng chứng kiểm toán:
a) Kiểm toán viên nhà nước thực hiện kiểm toán các phần việc được giao, trong đó lưu ý: Trong quá trình thực hiện kiểm toán, nếu có các dấu hiệu làm cho Kiểm toán viên nhà nước tin rằng một tài liệu có thể không xác thực, hoặc đã bị sửa đổi mà không được thông báo, hoặc những nội dung, số liệu phát hiện có dấu hiệu gian lận thì Kiểm toán viên nhà nước phải tiến hành kiểm tra thêm bằng các thủ tục như: Xác nhận trực tiếp với bên thứ ba; sử dụng chuyên gia và các phương pháp hợp pháp khác để đánh giá tính xác thực của tài liệu đó; kiểm tra, xác minh tài liệu đó từ các nguồn thông tin khác. Nếu các giải trình của đơn vị được kiểm toán là không nhất quán, thì Kiểm toán viên nhà nước phải tiến hành kiểm tra về các điểm không nhất quán đó nhằm thu thập đầy đủ bằng chứng thích hợp để khẳng định hoặc loại bỏ nghi ngờ của Kiểm toán viên nhà nước. Việc xác minh, điều tra,… phải lập biên bản và các bằng chứng thu thập được kèm theo. Trong trường hợp phát hiện dấu hiệu sai phạm lớn, các sai phạm có dấu hiệu hình sự, Kiểm toán viên nhà nước, Tổ trưởng phải báo cáo kịp thời cho Trưởng đoàn, Kiểm toán trưởng; Trưởng đoàn, Kiểm toán trưởng phải báo cáo kịp thời với Tổng Kiểm toán nhà nước để chỉ đạo làm rõ, xử lý.
b) Nội dung kiểm toán ngân sách địa phương gồm: Kiểm toán ngân sách cấp tỉnh, kiểm toán ngân sách cấp huyện và kiểm toán ngân sách xã theo một số nội dung chủ yếu (Chi tiết tại Phụ lục số 01 kèm theo) và các nội dung khác tùy theo mục tiêu của cuộc kiểm toán.
c) Việc thu thập và đánh giá bằng chứng kiểm toán được thực hiện theo quy định tại Khoản 2 Điều 18 của Quy trình kiểm toán của Kiểm toán nhà nước.
d) Ghi chép tài liệu, hồ sơ kiểm toán: Kiểm toán viên thực hiện việc ghi chép tài liệu, hồ sơ kiểm toán theo quy định tại Chuẩn mực Kiểm toán nhà nước số 1230 - Tài liệu, hồ sơ kiểm toán của cuộc kiểm toán tài chính; từ Đoạn 123 đến Đoạn 127 Chuẩn mực Kiểm toán nhà nước số 3000 - Hướng dẫn kiểm toán hoạt động; từ Đoạn 98 đến Đoạn 103 Chuẩn mực Kiểm toán nhà nước số 4000 - Hướng dẫn kiểm toán tuân thủ và các quy định khác của Kiểm toán nhà nước về mẫu biểu hồ sơ kiểm toán.
đ) Tổ trưởng kiểm tra, soát xét các phần việc kiểm toán do Kiểm toán viên nhà nước thực hiện:
- Tổ trưởng kiểm tra, soát xét hàng ngày trên cơ sở Nhật ký kiểm toán hoặc trao đổi, báo cáo công việc hàng ngày đối với những nội dung Kiểm toán viên nhà nước còn vướng mắc, chưa làm rõ, những nội dung có dấu hiệu vi phạm, gian lận. Kiểm tra các bằng chứng kiểm toán mà Kiểm toán viên nhà nước đã thu thập được, kết quả kiểm toán và các ý kiến của Kiểm toán viên nhà nước; đánh giá mức độ công việc Kiểm toán viên nhà nước đã thực hiện; yêu cầu Kiểm toán viên nhà nước thực hiện các thủ tục, nội dung kiểm toán bổ sung, thu thập thêm các bằng chứng kiểm toán nếu cần thiết. Trong trường hợp có phát hiện gian lận, thì Tổ trưởng phải chỉ đạo để làm rõ trách nhiệm cá nhân để xảy ra gian lận tại đơn vị được kiểm toán và thực hiện theo đúng các quy định tại Chuẩn mực Kiểm toán nhà nước số 1240 - Trách nhiệm của Kiểm toán viên nhà nước liên quan đến gian lận trong cuộc kiểm toán tài chính; Đoạn 56 đến Đoạn 57 Chuẩn mực Kiểm toán nhà nước số 4000 - Hướng dẫn kiểm toán tuân thủ và các quy định khác có liên quan.
- Kiểm toán viên nhà nước có trách nhiệm chấp hành ý kiến chỉ đạo và kết luận của Tổ trưởng. Trường hợp còn có ý kiến khác với kết luận của Tổ trưởng thì Kiểm toán viên có quyền bảo lưu ý kiến theo Quy chế tổ chức và hoạt động của Đoàn kiểm toán nhà nước.
e) Kiểm toán viên nhà nước ký biên bản xác nhận số liệu và tình hình kiểm toán:
- Căn cứ vào ý kiến kết luận của Tổ trưởng, Kiểm toán viên nhà nước tiếp tục thực hiện các thủ tục kiểm toán, thu thập bằng chứng kiểm toán nhằm bảo đảm tính thích hợp, đầy đủ, logic của các bằng chứng kiểm toán, kết quả kiểm toán.
- Tổng hợp kết quả kiểm toán, trao đổi và tiếp thu ý kiến giải trình của đơn vị được kiểm toán; củng cố các bằng chứng, đưa ra nhận xét, đánh giá, xác nhận kiểm toán, đề xuất kết luận, kiến nghị kiểm toán; thống nhất và ký biên bản xác nhận số liệu và tình hình kiểm toán với người có trách nhiệm liên quan đến phần việc kiểm toán của đơn vị được kiểm toán.
- Thực hiện việc trao đổi với đơn vị được kiểm toán về các vấn đề liên quan đến cuộc kiểm toán, các phát hiện kiểm toán trong kiểm toán tài chính thực hiện theo quy định tại Chuẩn mực Kiểm toán nhà nước số 1260 - Trao đổi các vấn đề với đơn vị kiểm toán trong kiểm toán tài chính; thực hiện thảo luận về các phát hiện và kết luận kiểm toán sơ bộ trong kiểm toán hoạt động theo quy định tại Đoạn 86, 87 Chuẩn mực Kiểm toán nhà nước số 3000 - Hướng dẫn kiểm toán hoạt động; thực hiện trao đổi thông tin trong kiểm toán tuân thủ theo quy định tại Đoạn 66 Chuẩn mực Kiểm toán nhà nước số 4000 - Hướng dẫn kiểm toán tuân thủ.
- Trường hợp người có trách nhiệm liên quan đến phần việc kiểm toán của đơn vị được kiểm toán còn có ý kiến chưa thống nhất với kết quả kiểm toán do Kiểm toán viên nhà nước nêu ra, Kiểm toán viên nhà nước yêu cầu giải trình chính thức bằng văn bản để báo cáo lại Tổ trưởng xem xét.
Trên đây là nội dung quy định về việc tiến hành kiểm toán ngân sách địa phương. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này bạn nên tham khảo thêm tại Quyết định 06/2017/QĐ-KTNN.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật