Kết luận thanh tra có được công khai không?
Thanh tra nhà nước là hoạt động xem xét, đánh giá, xử lý theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Thanh tra nhà nước bao gồm thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành.
Quy định của pháp luật về công khai kết luận thanh tra tại Điều 39 Luật thanh tra 2010, cụ thể như sau:
1. Kết luận thanh tra phải được công khai, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
2. Hình thức công khai kết luận thanh tra bao gồm:
a) Công bố tại cuộc họp với thành phần bao gồm người ra quyết định thanh tra, Đoàn thanh tra, đối tượng thanh tra, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan hoặc tổ chức họp báo;
b) Thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng;
c) Đưa lên trang thông tin điện tử của cơ quan thanh tra nhà nước, cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành hoặc cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp;
d) Niêm yết tại trụ sở làm việc của cơ quan, tổ chức là đối tượng thanh tra;
đ) Cung cấp theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
3. Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày ký kết luận thanh tra, người ra quyết định thanh tra có trách nhiệm thực hiện việc công khai kết luận thanh tra quy định tại điểm a khoản 2 Điều này và lựa chọn ít nhất một trong các hình thức công khai quy định tại các điểm b, c và d khoản 2 Điều này.
Người ra quyết định thanh tra có trách nhiệm cung cấp kết luận thanh tra cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan khi có yêu cầu.
4. Chính phủ quy định chi tiết việc công khai kết luận thanh tra theo các hình thức quy định tại khoản 2 Điều này.
Như vây, kết luận thanh tra phải được công khai niêm yết theo quy định của pháp luật, ngoại trừ một số trường hợp ngoại lệ không được công khai theo quy định của pháp luật.
Trên đây là nội dung câu trả lời về những quy định của pháp luật về kết luận thanh tra. Để hiểu rõ và chi tiết hơn về vấn đề này bạn có thể tìm đọc và tham khảo thêm tại Luật thanh tra 2010.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật