Nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát khi kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự
Theo quy định tại Điều 4 Quy chế công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự, ban hành kèm theo Quyết định 364/QĐ-VKSTC năm 2017 thì nội dung này được quy định như sau:
Khi kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc giải quyết các vụ việc dân sự, VKSND có các nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:
1. Kiểm sát việc trả lại đơn khởi kiện, đơn yêu cầu;
2. Kiểm sát việc thụ lý vụ việc dân sự;
3. Kiểm sát việc Tòa án xác minh, thu thập tài liệu chứng cứ; yêu cầu Tòa án xác minh thu thập tài liệu, chứng cứ trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự hoặc tự mình xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ để bảo đảm cho việc thực hiện quyền kháng nghị;
4. Kiểm sát việc áp dụng, thay đổi, hủy bỏ hoặc không áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời của Tòa án;
5. Kiểm sát kết quả phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải;
6. Nghiên cứu hồ sơ vụ việc;
7. Tham gia phiên tòa, phiên họp; kiểm sát việc tuân theo pháp luật của Thẩm phán, Hội đồng xét xử, thư ký phiên tòa, phiên họp, người tham gia tố tụng tại phiên tòa, phiên họp; phát biểu ý kiến của Viện kiểm sát về việc giải quyết vụ việc tại phiên tòa, phiên họp;
8. Kiểm sát bản án, quyết định của Tòa án;
9. Yêu cầu Tòa án cùng cấp hoặc cấp dưới chuyển hồ sơ vụ việc dân sự để xem xét, quyết định việc kháng nghị;
10. Kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm bản án, quyết định của Tòa án theo quy định của pháp luật;
11. Yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự hoãn thi hành bản án, quyết định của Tòa án để xem xét kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm; quyết định tạm đình chỉ thi hành bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án khi thực hiện thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm;
12. Tiếp nhận, giải quyết đơn đề nghị, thông báo, kiến nghị xem xét lại bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm, thủ tục đặc biệt;
13. Kiến nghị xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân (HĐTP TAND) tối cao theo thủ tục đặc biệt;
14. Kiến nghị, yêu cầu Tòa án, cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện các hoạt động tố tụng theo quy định của pháp luật; kiến nghị Tòa án khắc phục vi phạm trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự; yêu cầu, kiến nghị cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền xử lý nghiêm minh người tham gia tố tụng vi phạm pháp luật; kiến nghị cơ quan, tổ chức hữu quan khắc phục và áp dụng các biện pháp phòng ngừa vi phạm pháp luật trong quản lý nhà nước và thực hiện các quyền yêu cầu, kiến nghị khác theo quy định của pháp luật;
15. Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác trong kiểm sát việc giải quyết vụ việc dân sự theo quy định của pháp luật.
Điều 5. Phân công, thay đổi Kiểm sát viên tham gia phiên tòa, phiên họp
1. Viện trưởng Viện kiểm sát quyết định phân công, thay đổi Kiểm sát viên tham gia phiên tòa, phiên họp theo quy định tại các điều 57, 62 và khoản 3 Điều 368 BLTTDS.
Trường hợp Viện trưởng Viện kiểm sát tham gia phiên tòa, phiên họp thì Viện trưởng trực tiếp hoặc ủy quyền cho một Phó Viện trưởng ký Quyết định phân công Kiểm sát viên tham gia phiên tòa, phiên họp. Phó Viện trưởng ký quyết định phân công phải ghi rõ là “ký thay Viện trưởng”.
2. Việc gửi quyết định phân công, thay đổi Kiểm sát viên tham gia phiên tòa, phiên họp được thực hiện theo hướng dẫn tại Điều 24 và Điều 25 Thông tư liên tịch số 02/2016/TTLT-VKSNDTC-TANDTC ngày 31/8/2016 của VKSND tối cao và TAND tối cao quy định việc phối hợp giữa Viện kiểm sát nhân dân và Tòa án nhân dân trong việc thi hành một số quy định của Bộ luật tố tụng dân sự (sau đây viết tắt là TTLT số 02/2016) .
Trên đây là nội dung tư vấn về nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát khi kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này vui lòng tham khảo thêm tại Quyết định 364/QĐ-VKSTC năm 2017.
Trân trọng!