Yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý và khai thác công trình thủy lợi
Yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý và khai thác công trình thủy lợi được quy định tại Điều 13 Thông tư 40/2011/TT-BNNPTNT về quy định năng lực của tổ chức, cá nhân tham gia quản lý, khai thác công trình thuỷ lợi do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành, theo đó:
1. Cán bộ, công nhân quản lý, khai thác công trình thuỷ lợi phải tham gia lớp đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý, khai thác công trình thuỷ lợi hoặc lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ về quản lý đập, hồ chứa (đối với cán bộ, công nhân quản lý đập, hồ chứa) do các tổ chức đào tạo phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền tổ chức.
2. Tổ chức quản lý, khai thác công trình thuỷ lợi phải có kế hoạch để cán bộ, công nhân của mình tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ về quản lý, khai thác công trình thuỷ lợi hoặc lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ về quản lý đập, hồ chứa (đối với cán bộ, công nhân quản lý đập, hồ chứa), đảm bảo tất cả các cán bộ, công nhân thực hiện nhiệm vụ quản lý, khai thác công trình thuỷ lợi đều có giấy chứng nhận về đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý, khai thác công trình thuỷ lợi hoặc giấy chứng nhận qua lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ về quản lý đập, hồ chứa (đối với cán bộ, công nhân quản lý đập, hồ chứa).
3. Việc đào tạo, cấp chứng giấy chứng nhận đã tham gia lớp bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý, khai thác công trình thuỷ lợi và/hoặc lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ về quản lý đập, hồ chứa được thực hiện theo các quy định hiện hành.
4. Nội dung chủ yếu về đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý, khai thác công trình thủy lợi bao gồm:
a) Giới thiệu các cơ chế chính sách trong quản lý, khai thác công trình thủy lợi.
b) Lập kế hoạch và vận hành tưới, tiêu; tổ chức quản lý và phân cấp quản lý, khai thác công trình thuỷ lợi;
c) Quy định về quản lý, vận hành, tu sửa, bảo quản và bảo vệ hồ chứa nước; trạm bơm, cống và kênh mương;
d) Phân cấp hạn hán; quy trình vận hành công trình thuỷ lợi;
đ) Kỹ thuật tưới nước cho một số cây trồng;
e) Ứng dụng tin học trong quản lý, khai thác công trình thuỷ lợi.
g) Quy định về quản lý tài chính của các tổ chức quản lý khai thác công trình thủy lợi; chính sách thuỷ lợi phí trong sản xuất nông nghiệp.
h) Quản lý tưới có sự tham gia của người dân.
i) Một số chuyên đề theo yêu cầu và nhu cầu thực tiễn.
5. Nội dung đào tạo về quản lý đập, hồ chứa
a) Các chính sách về quản lý, vận hành và bảo vệ đập, hồ chứa.
b) Hướng dẫn lập và thực hiện quy trình vận hành hồ chứa.
c) Tính toán thuỷ văn, điều tiết lũ hồ chứa.
d) Cân bằng nước, tính toán điều tiết nước hồ phục vụ đa mục tiêu.
đ) Tổ chức quản lý, khai thác và bảo vệ các công trình thuỷ lợi là hồ chứa, đập dâng.
e) Một số chuyên đề trong nội dung đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ trong quản lý, khai thác công trình thuỷ lợi.
6. Cán bộ, công nhân quản lý, khai thác công trình thuỷ lợi đã tham gia khoá đào tạo về quản lý đập, hồ chứa được quyền tham gia hoặc không tham gia lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ về quản lý, khai thác công trình thuỷ lợi.
Cán bộ đã tham gia công tác quản lý, khai thác công trình thuỷ lợi từ 7 năm trở lên, có trình độ đại học chuyên ngành thuỷ lợi có thể tham gia hoặc không cần thiết tham gia khoá đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ nêu trên.
7. Theo yêu cầu, quy mô của từng đối tượng và từng năm, Tổng cục Thuỷ lợi (đối với các lớp do Trung ương tổ chức), Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (đối với các lớp do địa phương tổ chức) sẽ phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan để lựa chọn nội dung đào tạo, chiêu sinh và tổ chức các khoá đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ trong quản lý, khai thác công trình thuỷ lợi và đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ về quản lý đập, hồ chứa.
Trên đây là tư vấn về yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý và khai thác công trình thủy lợi. Để biết thêm thông tin chi tiết bạn nên tham khảo tại Thông tư 40/2011/TT-BNNPTNT. Mong rằng những tư vấn của chúng tôi sẽ giúp giải đáp được những vướng mắc của bạn.
Chào thân ái và chúc sức khỏe!
Thư Viện Pháp Luật