Phân loại phân bón hữu cơ theo thành phần, chức năng của các chất chính hoặc quá trình sản xuất
Phân loại phân bón hữu cơ theo thành phần, chức năng của các chất chính hoặc quá trình sản xuất được quy định tại Khoản 4 Điều 4 Nghị định 108/2017/NĐ-CP về quản lý phân bón như sau:
- Phân bón hữu cơ là phân bón trong thành phần chất chính chỉ có chất hữu cơ và các chất dinh dưỡng có nguồn gốc từ nguyên liệu hữu cơ;
- Phân bón hữu cơ vi sinh là phân bón trong thành phần chất chính gồm có chất hữu cơ và ít nhất 01 loài vi sinh vật có ích;
- Phân bón hữu cơ sinh học là phân bón trong thành phần chất chính gồm có chất hữu cơ và ít nhất 01 chất sinh học (axít humic, axít fulvic, axít amin, vitamin,...);
- Phân bón hữu cơ khoáng là phân bón trong thành phần chất chính gồm có chất hữu cơ và ít nhất 01 nguyên tố dinh dưỡng đa lượng;
- Phân bón cải tạo đất hữu cơ là phân bón có tác dụng cải thiện tính chất lý, hóa, sinh học của đất để tạo điều kiện thuận lợi cho cây trồng sinh trưởng, phát triển, được sản xuất từ nguyên liệu chính là các chất hữu cơ tự nhiên (không bao gồm các chất hữu cơ tổng hợp);
- Phân bón hữu cơ truyền thống là phân bón có nguồn gốc từ chất thải động vật, phụ phẩm cây trồng, các loại thực vật hoặc chất thải hữu cơ sinh hoạt khác được chế biến theo phương pháp ủ truyền thống.
Trên đây là nội dung quy định về phân loại phân bón hữu cơ theo thành phần, chức năng của các chất chính hoặc quá trình sản xuất. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này bạn nên tham khảo thêm tại Nghị định 108/2017/NĐ-CP.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật