Luật hành chính có mối quan hệ ra sao với Luật hiến pháp?
Đối với thắc mắc của bạn, hiện nay, trong hệ thống pháp luật Việt Nam, Luật hành chính và Luật hiến pháp có mối quan hệ hết sức mật thiết với nhau. Chúng tôi xin được phân tích cụ thể như sau:
Luật hiến pháp là ngành luật chủ đạo trong hệ thống các ngành luật của nước ta xuất phát từ các quan hệ xã hội mà Luật hiến pháp điều chỉnh là những quan hệ cơ bản nhất, quan trọng nhất. Theo đó, Luật hiến pháp quy định chế độ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị - xã hội xã hội chủ nghĩa, các chính sách cơ bản của Nhà nước trong lĩnh vực đối nội và đối ngoại, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, quốc tịch, thiết lập hệ thống bộ máy nhà nước và những nét cơ bản về địa vị pháp lý của chúng (vị trí, chức năng, cơ cấu tổ chức, thẩm quyền, chế độ bầu cử,...)
Còn Luật hành chính trên cơ sở các quy định của Luật hiến pháp tiến hành cụ thể hóa, chi tiết hóa và bổ sung các quy định của Luật hiến pháp, đặt ra cơ chế để đảm bảo thực hiện chúng trên thực tế.
Ví dụ một số nội dung mà Luật hành chính cụ thể hóa, chi tiết hóa từ Luật hiến pháp như:
+ Các nguyên tắc cơ bản về tổ chức và hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước nói chung vào các lĩnh vực cụ thể của hoạt động hành chính;
+ Vị trí, chức năng, cơ cấu tổ chức, thẩm quyền của các cơ quan hành chính quan trọng nhất như Chính phủ, các Bộ, Ủy ban nhân dân và một số cơ quan liên quan;
+ Quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân trong lĩnh vực hành chính cũng như quy định cơ chế pháp lý cụ thể để thực thi trên thực tế các quyền và nghĩa vụ ấy,...
Như vậy, xét về phạm vi loại vấn đề thì đối tượng điều chỉnh của Luật hiến pháp rộng và bao quát hơn so với đối tượng điều chỉnh của Luật hành chính.
Trên đây là nội dung tư vấn đối với thắc mắc của bạn về mối quan hệ giữa Luật hành chính và Luật hiến pháp. Nếu có vướng mắc vấn đề gì về mặt pháp lý, bạn vui lòng liên hệ Ngân hàng Hỏi - Đáp pháp luật để được giải đáp thêm.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật