Phương pháp thỏa thuận của Luật hành chính có đặc điểm gì?
Như chúng ta đã biết, phương pháp điều chỉnh của một ngành luật là tổng thể những biện pháp, cách thức, phương thức mà ngành luật đó sử dụng để tác động lên ý chí, hành vi của các bên tham gia vào quan hệ xã hội mà ngành luật đó điều chỉnh.
Theo đó, phương pháp điều chỉnh của Luật hành chính là cách thức, biện pháp tác động lên các chủ thể trong quan hệ xã hội mang tính chất chấp hành - điều hành phát sinh trong lĩnh vực tổ chức và hoạt động hành chính nhà nước.
Xuất phát từ tính chấp hành - điều hành trong quan hệ hành chính nên phương pháp điều chỉnh đặc trưng của Luật hành chính là phương pháp quyền uy - phục tùng. Tuy nhiên, trong một vài trường hợp, chúng ta cũng có thể bắt gặp sự điều chỉnh của Luật hành chính lên các mối quan hệ xã hội được thực hiện thông qua phương pháp thỏa thuận.
Đặc trưng của phương pháp này được thể hiện như sau: trong quan hệ pháp luật hành chính được điều chỉnh bởi phương pháp này tồn tại sự bình đẳng về ý chí của các bên tham gia quan hệ. Chẳng hạn như trong quan hệ hành chính phối hợp giữa hai cơ quan hành chính để ban hành văn bản quy phạm pháp luật liên tịch thì các bên trong quan hệ này có tư cách, ý chí bình đẳng với nhau hay đây còn được gọi là quan hệ pháp luật hành chính ngang.
Như vậy, Luật hành chính sử dụng hai phương pháp điều chỉnh là phương pháp quyền uy - phục tùng và phương pháp thỏa thuận trong đó phương pháp đặc trưng và chiếm lĩnh trong hầu hết các quan hệ pháp luật hành chính là phương pháp quyền uy - phục tùng.
Trên đây là nội dung tư vấn đối với thắc mắc của bạn về đặc điểm của phương pháp quyền uy - phục tùng của Luật hành chính. Nếu có vướng mắc vấn đề gì về mặt pháp lý, bạn vui lòng liên hệ Ngân hàng Hỏi - Đáp pháp luật để được giải đáp thêm.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật