Hậu quả pháp lý của việc chấm dứt nuôi con nuôi

L được vợ chồng ông, bà D nhận nuôi từ lúc lên 5 tuổi, được cho ăn học đỗ đạt đến Tiến sỹ, hiện công tác tại Hungari. Thương bố mẹ nuôi, anh chăm chỉ làm việc, dành dụm, tích góp tiền gửi về để bố mẹ có thêm tiền chi tiêu, chăm sóc sức khỏe. Số tiền còn lại L nhờ bố mẹ nuôi mua được một ngôi nhà 4 tầng khang trang, đăng ký tên anh, để khi nào về nước L ở. Sợ khi L về nước, số tài sản này phải trả lại cho L, các con đẻ ông bà D bàn với bố mẹ làm đơn xin chấm dứt việc nuôi con nuôi đối với L với lý do con nuôi đã trưởng thành, có học hành đỗ đạt, có công ăn việc làm tử tế. Ông bà D không muốn vậy nhưng các con ép quá đành phải nghe nhưng ông tuyên bố dứt khoát: Ngôi nhà và tài sản mua được từ tiền của L gửi về ông sẽ giao lại toàn bộ cho L. Các con ông không chịu và cho rằng: khi đã chấm dứt việc nuôi con nuôi thì mọi quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cũng hoàn toàn chấm dứt. Các con đẻ ông, bà D nói như vậy đúng hay sai?

Các con đẻ của ông, bà D nói như vậy là không đúng. Bởi vì: theo quy định tại Điều 27 Luật Nuôi con nuôi 2010:
 
Quyền, nghĩa vụ giữa ông, bà D và L chấm dứt kể từ ngày quyết định chấm dứt nuôi con nuôi của Tòa án có hiệu lực pháp luật.
 
Trường hợp con nuôi có tài sản riêng thì được nhận lại tài sản đó; nếu con nuôi có công lao đóng góp vào khối tài sản chung của cha mẹ nuôi thì được hưởng phần tài sản tương xứng với công lao đóng góp theo thỏa thuận với cha mẹ nuôi; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.
Theo quy định trên, trong trường hợp này, toàn bộ tiền mua nhà là tiền của L gửi về, ngôi nhà này cũng được đăng ký tên anh L, là tài sản của riêng của anh. Dù việc nuôi con nuôi giữa anh và ông bà D chấm dứt thì anh vẫn có quyền được nhận lại số tài sản này.
 

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào