Khả năng thanh toán của tổ chức bảo hiểm tương hỗ trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp

Khả năng thanh toán của tổ chức bảo hiểm tương hỗ trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp được quy định như thế nào? Xin chào Ban biên tập Thư Ký Luật, tôi là Phạm Thị Hồng Vân. Tôi đang tìm hiểu các quy định của pháp luật liên quan đến việc thành lập, tổ chức và hoạt động của tổ chức bảo hiểm tương hỗ trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và ngư nghiệp. Tôi có thắc mắc cần Ban biên tập Thư Ký Luật giải đáp giúp cho tôi. Cho tôi hỏi, khả năng thanh toán của tổ chức bảo hiểm tương hỗ trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp được quy định cụ thể ra sao? Tôi có thể tìm hiểu thông tin tại văn bản pháp luật nào? Mong nhận được sự phản hồi từ Ban biên tập Thư Ký Luật. Xin cảm ơn! Phạm Thị Hồng Vân (hongvan*****@gmail.com)

Theo quy định tại Tiểu mục 7 Mục V Thông tư 52/2005/TT-BTC hướng dẫn việc thành lập, tổ chức và hoạt động của tổ chức bảo hiểm tương hỗ trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và ngư nghiệp do Bộ tài chính ban hành thì khả năng thanh toán của tổ chức bảo hiểm tương hỗ trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp được quy định như sau:

- Tổ chức bảo hiểm tương hỗ phải luôn duy trì khả năng thanh toán trong suốt quá trình hoạt động kinh doanh bảo hiểm. Tổ chức bảo hiểm tương hỗ được coi là có đủ khả năng thanh toán khi đã trích lập đầy đủ dự phòng nghiệp vụ theo quy định tại khoản 3 Mục V Thông tư 52/2005/TT-BTC và có biên khả năng thanh toán không thấp hơn biên khả năng thanh toán tối thiểu theo quy định.

- Biên khả năng thanh toán tối thiểu của tổ chức bảo hiểm tương hỗ bằng 20% tổng phí bảo hiểm thực giữ lại tại thời điểm xác định biên khả năng thanh toán.

Ví dụ: Tại thời điểm xác định biên khả năng thanh toán, tổ chức bảo hiểm tương hỗ A có tổng phí bảo hiểm giữ lại là 50 tỷ đồng Việt Nam. Biên khả năng thanh toán tối thiểu của tổ chức bảo hiểm tương hỗ A = 50 tỷ đồng Việt Nam x 20% = 10 tỷ đồng Việt Nam.

- Biên khả năng thanh toán của tổ chức bảo hiểm tương hỗ là phần chênh lệch giữa giá trị tài sản và các khoản nợ phải trả của tổ chức bảo hiểm tương hỗ. Các tài sản sau sẽ không được đưa vào để tính biên khả năng thanh toán của tổ chức bảo hiểm tương hỗ:

Các khoản vốn góp để thành lập doanh nghiệp bảo hiểm khác từ nguồn vốn chủ sở hữu của tổ chức bảo hiểm tương hỗ;

Các khoản nợ không có khả năng thu hồi theo quy định của pháp luật hiện hành;

Các quỹ khen thưởng, phúc lợi (nếu có).

Trên đây là nội dung tu vấn về khả năng thanh toán của tổ chức bảo hiểm tương hỗ trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp. Để biết thêm thông tin chi tiết, bạn nên tham khảo thêm tại Thông tư 52/2005/TT-BTC.

Trân trọng!

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào