Dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm của tổ chức bảo hiểm tương hỗ trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp
Theo quy định tại Tiểu mục 3 Mục V Thông tư 52/2005/TT-BTC hướng dẫn việc thành lập, tổ chức và hoạt động của tổ chức bảo hiểm tương hỗ trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và ngư nghiệp do Bộ tài chính ban hành thì dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm của tổ chức bảo hiểm tương hỗ trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp được quy định như sau:
- Tổ chức bảo hiểm tương hỗ phải lập các loại dự phòng nghiệp vụ theo quy định tại Điều 35 Nghị định số 18/2005/NĐ-CP ngày 24/2/2005 của Chính phủ quy định việc thành lập, tổ chức và hoạt động của tổ chức bảo hiểm tương hỗ.
- Tổ chức bảo hiểm tương hỗ được phép lựa chọn và đăng ký với Bộ Tài chính phương pháp trích lập dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm theo hướng dẫn tại điểm 3.4 khoản 3 Mục V Thông tư 52/2005/TT-BTC hoặc các phương pháp trích lập dự phòng nghiệp vụ khác thận trọng hơn và được Bộ Tài chính chấp thuận bằng văn bản trước khi áp dụng.
- Tổ chức bảo hiểm tương hỗ không được thay đổi phương pháp trích lập dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm trong năm tài chính. Trong trường hợp thay đổi phương pháp trích lập dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm cho năm tài chính kế tiếp, tổ chức bảo hiểm tương hỗ phải đề nghị và được Bộ Tài chính chấp thuận bằng văn bản trước khi áp dụng.
- Phương pháp trích lập dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm của tổ chức bảo hiểm tương hỗ :
+ Dự phòng phí chưa được hưởng:
Cách tính dự phòng phí chưa được hưởng được áp dụng theo phương pháp lấy mức phí giữ lại của 2 (hai) tháng cuối đối với nghiệp vụ bảo hiểm hàng hoá vận chuyển đường bộ, đường biển, đường sông, đường sắt và 40% tổng phí giữ lại của tất cả các nghiệp vụ bảo hiểm còn lại trong năm tài chính.
+ Dự phòng bồi thường:
Cách tính mức trích lập dự phòng bồi thường được áp dụng theo phương pháp thống kê.
+ Dự phòng bồi thường cho các dao động lớn về tổn thất:
Cách tính mức trích lập dự phòng dao động lớn được áp dụng theo phương pháp thống kê và được trích lập hàng năm cho đến khi khoản dự phòng dao động lớn bằng 100% phí thực giữ lại trong năm tài chính của tổ chức bảo hiểm tương hỗ.
Trên đây là nội dung tư vấn về dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm của tổ chức bảo hiểm tương hỗ trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp. Để biết thêm thông tin chi tiết, bạn nên tham khảo thêm tại Thông tư 52/2005/TT-BTC.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật