Tiêu chuẩn Phó Cục trưởng Cục Thuế
Tiêu chuẩn Phó Cục trưởng Cục Thuế được quy định tại Điều 7 Tiêu chuẩn các chức danh lãnh đạo thuộc Tổng cục Thuế ban hành kèm theo Quyết định 1936/QĐ-TCT năm 2012 như sau:
1. Vị trí và nhiệm vụ:
Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Phó Cục trưởng) là công chức tham gia lãnh đạo Cục Thuế, chịu trách nhiệm trước Cục trưởng và trước pháp luật về phần nhiệm vụ do Cục trưởng phân công; thay mặt Cục trưởng điều hành công việc của Cục Thuế khi được Cục trưởng ủy quyền. Phó Cục trưởng Cục Thuế có các nhiệm vụ chính như sau:
1.1. Tổ chức thực hiện các công việc chuyên môn, nghiệp vụ theo phân công hoặc ủy quyền của Cục trưởng;
1.2. Chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các đơn vị thuộc và trực thuộc Cục trong việc thực hiện các nhiệm vụ thuộc lĩnh vực được phân công phụ trách;
1.3. Phối hợp với các Phó Cục trưởng khác trong quá trình xử lý, giải quyết công việc, quản lý công chức, viên chức và tài sản của Cục;
1.4. Tham mưu, đề xuất với Cục trưởng các chủ trương, biện pháp quản lý nhà nước liên quan đến lĩnh vực được phân công phụ trách và các lĩnh vực khác thuộc phạm vi quản lý của Cục;
1.5. Báo cáo, đề xuất với Cục trưởng phương án xử lý các vấn đề phát sinh, vướng mắc vượt quá thẩm quyền giải quyết trong lĩnh vực được phân công phụ trách;
1.6. Thực hiện các nhiệm vụ khác theo phân công của Cục trưởng.
2. Năng lực:
2.1. Có năng lực tổ chức, thu nhận thông tin, xử lý thông tin và phối hợp, thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về thuế.
2.2. Có năng lực tham mưu, quản lý; năng lực tổng hợp, phân tích, đánh giá, đề xuất sáng kiến, cải tiến, nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý thuế.
2.3. Có năng lực thuyết trình, tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện pháp luật quản lý thuế.
2.4. Có năng lực tư duy đổi mới phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước.
2.5. Có khả năng đoàn kết, tập hợp quần chúng; được công chức, người lao động trong đơn vị tín nhiệm.
2.6. Có khả năng phối hợp tốt với các cơ quan, đơn vị tại địa phương và các đơn vị thuộc ngành thuế trong việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao.
3. Hiểu biết:
3.1. Nắm vững chủ trương, đường lối chính sách của Đảng và pháp luật của nhà nước về phát triển kinh tế của địa phương nói riêng và cả nước nói chung;
3.2. Nắm vững các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước theo chức năng, nhiệm vụ của Cục Thuế, Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính;
3.3. Hiểu biết toàn diện về nghiệp vụ, chuyên môn của ngành và hiểu biết sâu về lĩnh vực công tác được phân công đảm nhiệm; có kinh nghiệm tổ chức, quản lý, điều hành;
3.4. Am hiểu tình hình chính trị, kinh tế, xã hội của địa phương, của đất nước, của các nước trong khu vực và trên thế giới.
4. Trình độ:
4.1. Trình độ chuyên môn đào tạo:
- Tiêu chuẩn chung:
Phó Cục trưởng Cục Thuế phải có bằng tốt nghiệp đại học (ở ngành thuộc khối kinh tế hoặc ngành luật kinh tế) trở lên, nếu dưới 45 tuổi phải có bằng đại học hệ chính quy hoặc có bằng thạc sỹ, tiến sỹ ở ngành thuộc khối kinh tế hoặc ngành luật kinh tế. Trường hợp cán bộ dưới 45 tuổi có bằng đại học hệ chính quy hoặc bằng thạc sỹ, tiến sỹ không ở ngành thuộc khối kinh tế hoặc ngành luật kinh tế thì phải có thêm bằng đại học thứ hai ở ngành thuộc khối kinh tế hoặc ngành luật kinh tế.
- Một số trường hợp đặc biệt:
+ Phó Cục trưởng Cục Thuế TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh phải có bằng đại học hệ chính quy hoặc có bằng thạc sỹ, tiến sỹ ở ngành thuộc khối kinh tế hoặc ngành luật kinh tế. Trường hợp công chức có bằng đại học hệ chính quy không ở ngành thuộc khối kinh tế hoặc ngành luật kinh tế thì phải có thêm bằng đại học khác ở ngành thuộc khối kinh tế hoặc ngành luật kinh tế.
+ Ở các địa phương miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, trường hợp nếu không đủ tiêu chuẩn về trình độ chuyên môn đào tạo như quy định chung nêu trên thì có thể xem xét từng trường hợp cụ thể để bổ nhiệm đối với công chức có trình độ tốt nghiệp đại học ở ngành thuộc khối kinh tế hoặc ngành luật kinh tế.
+ Đối với công chức nữ, công chức người dân tộc thiểu số không đủ tiêu chuẩn về trình độ chuyên môn đào tạo nhưng có năng lực nổi trội trong chỉ đạo thực tiễn, được công chức, người lao động trong đơn vị tín nhiệm cao thì có thể xem xét từng trường hợp cụ thể để bổ nhiệm đối với công chức có trình độ tốt nghiệp đại học ở ngành thuộc khối kinh tế hoặc ngành luật kinh tế.
4.2. Trình độ chuyên môn nghiệp vụ:
Phó Cục trưởng phải ở ngạch chuyên viên hoặc tương đương trở lên.
4.3. Các trình độ, chứng chỉ điều kiện:
a) Có trình độ lý luận chính trị từ trung cấp hoặc tương đương trung cấp (theo quy định của Đảng và Nhà nước) trở lên;
b) Có chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức quản lý hành chính nhà nước ngạch chuyên viên chính hoặc tương đương;
c) Có trình độ B trở lên theo tiêu chuẩn trong nước hoặc trình độ tương đương theo tiêu chuẩn quốc tế của một trong các ngoại ngữ: Anh, Pháp, Đức, Nga, Trung Quốc.
d) Có chứng chỉ tin học Văn phòng hoặc chứng chỉ tin học trình độ A trở lên;
đ) Có chứng chỉ đào tạo thuộc lĩnh vực chuyên môn áp dụng cho cán bộ, công chức (nếu có).
5. Về thâm niên công tác:
Phó Cục trưởng phải có 5 năm công tác trở lên trong ngành tài chính, trong đó có ít nhất 3 năm làm công tác thuộc lĩnh vực chuyên môn quản lý.
Trên đây là nội dung quy định về tiêu chuẩn Phó Cục trưởng Cục Thuế. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này bạn nên tham khảo thêm tại Quyết định 1936/QĐ-TCT năm 2012.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật