Thủ tục tạm nhập - tái xuất các chất HCFC
Thủ tục tạm nhập - tái xuất các chất HCFC được quy định tại Điều 7 Thông tư liên tịch 47/2011/TTLT-BCT-BTNMT quy định việc quản lý nhập, xuất khẩu và tạm nhập - tái xuất chất làm suy giảm tầng ô-dôn theo quy định của Nghị định thư Montreal về chất làm suy giảm tầng ô-dôn do Bộ Công thương - Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành như sau:
1. Thủ tục cấp phép tạm nhập - tái xuất các chất HCFC tại Bộ Công Thương
a) Thương nhân gửi một (01) bộ hồ sơ đề nghị cấp phép tạm nhập - tái xuất các chất HCFC thuộc Phụ lục I theo đường bưu điện đến Bộ Công Thương, hồ sơ gồm:
- Đơn đề nghị cấp phép tạm nhập - tái xuất các chất HCFC thuộc Phụ lục I theo mẫu quy định tại Phụ lục VI của Thông tư này
- Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy chứng nhận đầu tư hoặc giấy phép kinh doanh: một (01) bản sao có xác nhận và đóng dấu sao y bản chính của thương nhân.
- Hợp đồng mua hàng và hợp đồng bán hàng: Mỗi loại một (01) bản sao có xác nhận và đóng dấu sao y bản chính của thương nhân.
b) Trong thời hạn bảy (07) ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, hợp lệ của thương nhân, Bộ Công Thương cấp phép cho thương nhân.
Trường hợp từ chối cấp phép, Bộ Công Thương trả lời bằng văn bản cho thương nhân biết và nêu rõ lý do trong thời hạn bảy (07) ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ của thương nhân.
2. Hồ sơ thương nhân nộp cho cơ quan Hải quan khi làm thủ tục tạm nhập - tái xuất các chất HCFC
Thương nhân khi làm thủ tục tạm nhập - tái xuất các chất HCFC thuộc Phụ lục I nộp cho cơ quan Hải quan các giấy tờ sau:
a) Một (01) bản chính giấy phép tạm nhập - tái xuất các chất HCFC do Bộ Công Thương cấp.
b) Các giấy tờ khác theo quy định pháp luật về hải quan.
Trên đây là nội dung quy định về thủ tục tạm nhập - tái xuất các chất HCFC. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này bạn nên tham khảo thêm tại Thông tư liên tịch 47/2011/TTLT-BCT-BTNMT.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật