Điều kiện miễn xét môn ngoại ngữ khi xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp công tác xã hội trong đơn vị sự nghiệp công lập
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 6 Thông tư 25/2017/TT-BLĐTBXH quy định điều kiện, nội dung, hình thức thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành công tác xã hội trong đơn vị sự nghiệp công lập do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành có hiệu lực từ 15/10/2017 thì điều kiện miễn xét môn ngoại ngữ khi xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp công tác xã hội trong đơn vị sự nghiệp công lập được quy định cụ thể như sau:
- Viên chức tính đến ngày 31 tháng 12 của năm tổ chức thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp có tuổi đời từ đủ 55 tuổi trở lên đối với nam và từ đủ 50 tuổi trở lên đối với nữ.
- Có bằng tốt nghiệp đại học thứ hai là bằng ngoại ngữ thuộc một trong các ngôn ngữ Anh, Pháp, Nga, Đức, Trung Quốc.
- Đã học tập, nghiên cứu toàn thời gian ở nước ngoài và được cấp bằng đại học, bằng thạc sĩ hoặc thạc sĩ của cơ sở đào tạo nước ngoài sử dụng một trong các ngôn ngữ Anh, Nga, Pháp, Đức, Trung Quốc trong đào tạo; văn bằng đã được cơ quan có thẩm quyền công nhận theo quy định hiện hành.
- Đã có chứng chỉ ngoại ngữ Bậc 3 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam (B1 theo Khung tham chiếu Châu Âu) và còn trong thời hạn 2 năm, hoặc có chứng chỉ Tiếng Anh quốc tế TOEFL PBT 450 điểm, TOEFL CBT 133 điểm, TOEFL IBT 45 điểm, IELTS 4,5 điểm trở lên đối với thi thăng hạng công tác xã hội viên (hạng III) lên công tác xã hội viên chính (hạng II). Các chứng chỉ ngoại ngữ quy định tại điểm này còn trong thời hạn 02 năm (24 tháng) tính đến ngày hết hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi.
- Viên chức là người dân tộc thiểu số và viên chức đang làm việc ở vùng dân tộc thiểu số (không áp dụng trong kỳ thi thăng hạng III lên hạng II).
Trên đây là nội dung tư vấn về điều kiện miễn xét môn ngoại ngữ khi xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp công tác xã hội trong đơn vị sự nghiệp công lập. Để biết thêm thông tin chi tiết bạn nên tham khảo thêm tại Thông tư 25/2017/TT-BLĐTBXH.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật