Quy trình bổ nhiệm đối với Phó Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự
Quy trình bổ nhiệm đối với Phó Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự được quy định tại Điều 40 Thông tư 02/2017/TT-BTP hướng dẫn nội dung quản lý công, viên chức, người lao động thuộc hệ thống tổ chức thi hành án dân sự do Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành như sau:
1. Bước 1: Xác định nhu cầu, đề xuất phê duyệt chủ trương bổ nhiệm
Trên cơ sở cơ cấu, số lượng lãnh đạo của Chi cục, Chi cục trưởng tổ chức Hội nghị tập thể lãnh đạo Chi cục để thảo luận, xác định nhu cầu và dự kiến phân công công tác đối với vị trí dự kiến bổ nhiệm.
Kết quả Hội nghị, Chi cục trưởng có Tờ trình đề nghị Cục trưởng phê duyệt chủ trương bổ nhiệm.
2. Bước 2: Giới thiệu và đề xuất phê duyệt chủ trương nhân sự bổ nhiệm
Trên cơ sở phê duyệt chủ trương bổ nhiệm của Cục Thi hành án dân sự, căn cứ nguồn cán bộ trong quy hoạch và ý kiến giới thiệu của công chức, người lao động theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP của Chi cục (việc lấy ý kiến giới thiệu của công chức, người lao động do Chi Cục trưởng thực hiện thông qua hình thức phát phiếu thăm dò trên cơ sở danh sách những người trong quy hoạch và phải bảo đảm sự bảo mật và được thông báo tại cuộc họp tập thể lãnh đạo Chi cục Thi hành án dân sự), Chi cục trưởng chủ trì Hội nghị tập thể lãnh đạo Chi cục để thảo luận, lựa chọn, giới thiệu nhân sự bổ nhiệm.
Kết quả Hội nghị, Chi cục trưởng báo cáo để Cục trưởng phê duyệt chủ trương nhân sự bổ nhiệm. Hồ sơ đề nghị phê duyệt chủ trương nhân sự bổ nhiệm bao gồm: Tờ trình đề nghị phê duyệt chủ trương bổ nhiệm; Biên bản Hội nghị tập thể Lãnh đạo Chi cục; Sơ yếu lý lịch của nhân sự được giới thiệu theo mẫu của Bộ Nội vụ.
Trên cơ sở Tờ trình của Chi cục Thi hành án dân sự, Cục trưởng tổ chức Hội nghị tập thể lãnh đạo Cục để cho ý kiến về phương án nhân sự theo đề xuất của Chi cục và thông báo kết quả bằng văn bản cho Chi cục Thi hành án dân sự.
3. Bước 3:
a) Đối với nhân sự tại chỗ: Cục trưởng tổ chức Hội nghị toàn thể công chức, người lao động theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP của Chi cục để thực hiện nội dung theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 28 Thông tư này.
b) Đối với nhân sự từ cơ quan khác: Trên cơ sở phê duyệt chủ trương nhân sự bổ nhiệm, Cục trưởng thực hiện theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 28 Thông tư này.
4. Bước 4: Cục trưởng tổ chức Hội nghị cán bộ chủ chốt của Chi cục để nhận xét, đánh giá và lấy phiếu tín nhiệm đối với nhân sự đề nghị bổ nhiệm là nguồn nhân sự tại chỗ:
- Thành phần Hội nghị, gồm: Tập thể lãnh đạo Chi cục, cấp ủy Chi cục, đại diện các tổ chức chính trị - xã hội cơ quan Chi cục. Hội nghị mời đại diện cơ quan có thẩm quyền quản lý cán bộ ở cấp huyện tham dự.
- Nội dung: Thực hiện theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 26 Thông tư này.
5. Bước 5: Thực hiện theo quy định tại khoản 6 Điều 36 Thông tư này.
6. Bước 6: Căn cứ kết quả thực hiện các bước theo quy trình, Cục trưởng ký Công văn trao đổi, lấy ý kiến bằng văn bản của cấp ủy hoặc Ủy ban nhân dân cấp huyện về nhân sự đề nghị bổ nhiệm.
7. Bước 7: Sau khi có văn bản của cấp ủy hoặc Ủy ban nhân dân cấp huyện thống nhất về nhân sự bổ nhiệm, Cục trưởng quyết định bổ nhiệm Phó Chi cục trưởng.
Trường hợp cấp ủy hoặc Ủy ban nhân dân cấp huyện có ý kiến khác, tập thể lãnh đạo Cục xem xét, quyết định.
8. Bước 8: Cục trưởng tổ chức công bố quyết định bổ nhiệm Phó Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự.
9. Hồ sơ bổ nhiệm thực hiện theo quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, e, g, h, m khoản 8 Điều 26 Thông tư này và bổ sung thêm văn bản cho ý kiến của cấp ủy Chi cục, văn bản cho ý kiến của cấp ủy hoặc Ủy ban nhân dân cấp huyện.
Trên đây là nội dung tư vấn về quy trình bổ nhiệm đối với Phó Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự. Để có thể hiểu chi tiết hơn về quy định này bạn vui lòng tham khảo thêm tại Thông tư 02/2017/TT-BTP.
Trân trọng thông tin đến bạn!