Văn phòng Bộ Tài chính có trách nhiệm như thế nào trong việc trình Lãnh đạo Bộ giải quyết công việc?
Trách nhiệm của Văn phòng Bộ trong việc trình Lãnh đạo Bộ giải quyết công việc được quy định tại Điều 20 Quy chế làm việc của Bộ Tài chính ban hành kèm theo Quyết định 469/QĐ-BTC năm 2017 như sau:
1. Văn phòng Bộ chỉ xử lý trình Bộ trưởng, Thứ trưởng khi Hồ sơ trình của đơn vị đầy đủ các yêu cầu sau:
a) Những vấn đề thuộc phạm vi giải quyết của Bộ trưởng, Thứ trưởng;
b) Khi có đủ hồ sơ (hồ sơ giấy và hồ sơ điện tử) và đúng thủ tục quy định tại Điều 17, Điều 18 và Điều 19 của Quy chế này. Trường hợp phải xử lý gấp nhưng chỉ nhận được một trong hai loại (hồ sơ giấy hoặc hồ sơ điện tử) thì xử lý như sau:
- Nếu chỉ nhận được hồ sơ điện tử, Văn phòng Bộ chủ động rà soát, giải quyết công việc và yêu cầu đơn vị gửi đủ hồ sơ giấy theo quy định. Khi nhận được hồ sơ giấy, Văn phòng Bộ mới trình Bộ trưởng, Thứ trưởng.
- Nếu chỉ nhận được hồ sơ giấy, Văn phòng Bộ chủ động rà soát, trình Bộ trưởng, Thứ trưởng giải quyết công việc, đồng thời yêu cầu đơn vị gửi hồ sơ điện tử trong thời hạn 1/2 ngày làm việc kể từ khi Văn phòng Bộ nhận được hồ sơ giấy để hoàn thiện hồ sơ giải quyết công việc trên môi trường mạng.
2. Khi nhận được hồ sơ đề án, công việc của các đơn vị trình Bộ trưởng, Thứ trưởng, Văn phòng Bộ có nhiệm vụ:
a) Thẩm tra về mặt thủ tục hồ sơ;
- Đối với những văn bản, công việc Bộ giao cho một đơn vị xử lý, Văn phòng Bộ sau khi kiểm tra hồ sơ đã đảm bảo quy trình, thủ tục thì trình Lãnh đạo Bộ.
- Đối với những văn bản có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của đơn vị khác, hồ sơ trình phải có ý kiến bằng văn bản của các đơn vị liên quan.
Nếu hồ sơ, công việc trình không đúng theo quy định, trong thời gian không quá 1/2 ngày làm việc, Văn phòng Bộ gửi lại đơn vị trình và nêu rõ yêu cầu để thực hiện đúng quy định. Đối với những vấn đề cần giải quyết gấp, Văn phòng Bộ trực tiếp trao đối với đơn vị trình bổ sung hồ sơ, đồng thời báo cáo Bộ trưởng, Thứ trưởng.
b) Thẩm tra về mặt thể thức, hình thức văn bản:
Nếu nội dung đề án, công việc trình không thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ Tài chính, không bảo đảm phù hợp giữa nội dung hồ sơ và nội dung của dự thảo văn bản sẽ ban hành, hồ sơ chưa cụ thể, rõ ràng để có thể ra quyết định; hình thức văn bản chưa đúng quy định, trong thời gian không quá 1 ngày làm việc, Văn phòng Bộ trả lại văn bản cho cơ quan trình và nêu rõ lý do trả lại và thống nhất hướng giải quyết tiếp theo.
c) Xem xét về nội dung:
Nếu trong nội dung đề án, công việc còn có những vấn đề chưa rõ hoặc còn có ý kiến khác nhau về quan điểm xử lý giữa các đơn vị có liên quan, Văn phòng Bộ yêu cầu đơn vị chủ trì giải trình thêm hoặc theo ủy quyền của Bộ trưởng, Thứ trưởng phụ trách, Chánh Văn phòng Bộ tổ chức họp với đơn vị chủ trì và các đơn vị liên quan hoặc gửi văn bản lấy thêm ý kiến các đơn vị khác và tổng hợp báo cáo Bộ trưởng, Thứ trưởng phụ trách quyết định.
d) Thời gian xử lý hồ sơ trình của các đơn vị tại Văn phòng Bộ không quá 1,5 ngày làm việc.
3. Trình tự trình Lãnh đạo Bộ:
a) Đối với hồ sơ xử lý, giải quyết công việc thường xuyên, Văn phòng Bộ trình Thứ trưởng phụ trách và Thứ trưởng phụ trách các khối khác nếu có liên quan.
b) Đối với các đề án xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, Văn phòng Bộ thực hiện theo quy trình sau:
- Đối với Thông tư do Bộ Tài chính ban hành: Trình Thứ trưởng phụ trách (của đơn vị chủ trì đề án) xem xét, cho ý kiến trước khi trình xin ý kiến của đồng chí Thứ trưởng phụ trách các khối khác nếu có liên quan, sau đó trình Bộ trưởng.
- Đối với các đề án xây dựng văn bản quy phạm pháp luật trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các đề án lớn do Bộ Tài chính xây dựng trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương: Trình Thứ trưởng phụ trách (của đơn vị chủ trì đề án) xem xét, cho ý kiến trước khi trình ngang xin ý kiến các đồng chí Thứ trưởng phụ trách các khối khác, sau đó trình Bộ trưởng.
Trường hợp xử lý các công việc gấp, Văn phòng Bộ xin ý kiến Thứ trưởng phụ trách khối tổ chức họp xin ý kiến các đồng chí Lãnh đạo Bộ hoặc thực hiện trình ngang và tổng hợp báo cáo Bộ trưởng xem xét quyết định.
c) Trường hợp còn có ý kiến khác nhau giữa các đồng chí Lãnh đạo Bộ, Văn phòng Bộ tổng hợp các ý kiến trình Bộ trưởng quyết định (đối với công việc thường xuyên). Văn phòng Bộ có trách nhiệm báo cáo các Thứ trưởng biết ý kiến quyết định của Bộ trưởng.
Trường hợp Lãnh đạo Bộ đề nghị gửi xin thêm ý kiến của các đơn vị liên quan, Văn phòng Bộ phối hợp với đơn vị chủ trì gửi xin ý kiến và tổng hợp báo cáo Lãnh đạo Bộ xem xét quyết định.
d) Căn cứ ý kiến phê duyệt của Lãnh đạo Bộ, Văn phòng chuyển trả lại tài liệu cho đơn vị, đôn đốc Lãnh đạo đơn vị hoàn chỉnh văn bản và ký soát văn bản trước khi trình Lãnh đạo Bộ ký ban hành. Trường hợp văn bản không phải chỉnh sửa, Văn phòng Bộ trình Lãnh đạo Bộ ký văn bản và gửi lại đơn vị lưu hành văn bản theo quy định.
Trên đây là nội dung quy định về trách nhiệm của Văn phòng Bộ trong việc trình Lãnh đạo Bộ giải quyết công việc. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này bạn nên tham khảo thêm tại Quyết định 469/QĐ-BTC năm 2017.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật