Xác định giá trị tài sản ròng của quỹ hưu trí

Hoạt động xác định giá trị tài sản ròng của quỹ hưu trí được quy định như thế nào? Xin chào Ban biên tập Thư Ký Luật, tôi là Đặng Sơn Minh. Tôi đang tìm hiểu các quy định của pháp luật về chương trình hưu trí bổ sung tự nguyện. Tôi có thắc mắc cần Ban biên tập Thư Ký Luật giải đáp giúp tôi. Cho tôi hỏi, giá trị tài sản ròng của quỹ hưu trí được xác định như thế nào? Tôi có thể tìm hiểu thông tin tại văn bản pháp luật nào? Mong nhận được sự phản hồi từ Ban biên tập Thư Ký Luật. Xin cảm ơn! Đặng Sơn Minh (sonminh*****@gmail.com)

Theo quy định tại Điều 5 Thông tư 86/2017/TT-BTC hướng dẫn thực hiện Nghị định 88/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ về chương trình hưu trí bổ sung tự nguyện do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành thì giá trị tài sản ròng của quỹ hưu trí được xác định như sau:

- Hàng tháng, doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí có trách nhiệm xác định giá trị tài sản ròng của quỹ hưu trí, xác định giá trị tài khoản hưu trí cá nhân theo quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 21 và Điểm c Khoản 1 Điều 22 Nghị định số 88/2016/NĐ-CP.

- Doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí phải xây dựng quy chế xác định giá trị tài sản ròng và xác định giá trị tài khoản hưu trí cá nhân để làm căn cứ thực hiện. Quy chế phải bao gồm những nội dung cơ bản sau:

+ Nguyên tắc xác định giá trị tài sản ròng của quỹ hưu trí và giá trị tài khoản hưu trí cá nhân;

+ Quy trình chi tiết thực hiện các phương pháp định giá đối với từng loại tài sản đầu tư của quỹ hưu trí;

c) Mức độ sai sót mà doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí có trách nhiệm đền bù thiệt hại cho người tham gia quỹ theo quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 23 Nghị định số 88/2016/NĐ-CP.

- Quy chế xác định giá trị tài sản ròng của quỹ hưu trí và xác định giá trị tài khoản hưu trí cá nhân phải được quy định tại điều lệ của quỹ hưu trí theo quy định tại Điểm m Khoản 1 Điều 14 Nghị định số 88/2016/NĐ-CP. Quy chế phải được công bố trên trang thông tin điện tử của doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí, đồng thời gửi cho ngân hàng giám sát để kiểm tra, giám sát theo quy định tại Điểm c Khoản 4 Điều 16 Nghị định số 88/2016/NĐ-CP.

- Việc xác định giá trị thị trường các tài sản của quỹ hưu trí thực hiện theo phương pháp quy định tại Điều 19 Thông tư số 183/2011/TT-BTC ngày 20/01/2016 của Bộ Tài chính hướng dẫn về việc thành lập và quản lý quỹ mở và văn bản sửa đổi, bổ sung (nếu có).

- Khi doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí xác định sai giá trị tài sản ròng của quỹ hưu trí, xác định sai giá trị tài khoản hưu trí cá nhân và có phát sinh thiệt hại thực tế cho người tham gia quỹ thì doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí phải đền bù thiệt hại cho người tham gia quỹ theo quy định tại Điều 23 Nghị định số 88/2016/NĐ-CP. Mức độ sai sót phải đền bù thiệt hại được quy định tại quy chế xác định giá trị tài sản ròng của quỹ hưu trí và xác định giá trị tài khoản hưu trí cá nhân quy định tại Khoản 2 Điều này nhưng không thấp hơn 0,75% giá trị tài sản ròng của quỹ.

- Ngân hàng giám sát có trách nhiệm kiểm tra, xác nhận giá trị tài sản ròng của quỹ hưu trí và giá trị tài khoản hưu trí cá nhân theo quy định tại Điểm c Khoản 4 Điều 16 Nghị định số 88/2016/NĐ-CP. Trường hợp phát hiện định giá sai giá trị tài sản ròng hoặc giá trị tài khoản hưu trí cá nhân, ngân hàng giám sát phải thông báo và yêu cầu doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí điều chỉnh trong thời hạn hai mươi bốn (24) giờ.

- Trong thời hạn tối đa ba (03) ngày làm việc, kể từ ngày định giá, giá trị tài sản ròng của quỹ hưu trí phải được công bố trên các trang thông tin điện tử của doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí và đại lý hưu trí.

Trên đây là nội dung tư vấn về hoạt động xác định giá trị tài sản ròng của quỹ hưu trí. Để biết thêm thông tin chi tiết, bạn nên tham khảo thêm tại Thông tư 86/2017/TT-BTC.

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Chế độ hưu trí bảo hiểm xã hội bắt buộc

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào