Xử lý đơn khiếu nại không thuộc thẩm quyền giải quyết trong ngành Lao động - Thương binh và Xã hội

Xử lý đơn khiếu nại không thuộc thẩm quyền giải quyết trong ngành Lao động - Thương binh và Xã hội được quy định như thế nào? Xin chào Ban biên tập Thư Ký Luật. Tôi tên là Mai Linh, đang sống và làm việc tại Tp.HCM. Tôi đang cần tìm hiểu các quy định liên quan đến quy trình tiếp công dân và xử lý đơn thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội. Cho tôi hỏi: Xử lý đơn khiếu nại không thuộc thẩm quyền giải quyết trong ngành này được thực hiện như thế nào? Văn bản nào quy định về vấn đề này? Mong nhận được câu trả lời từ Ban biên tập Thư Ký Luật. Tôi xin chân thành cảm ơn Ban biên tập Thư Ký Luật.       

Theo quy định tại Điều 14 Thông tư 53/2015/TT-BLĐTBXH Hướng dẫn về quy trình tiếp công dân và xử lý đơn thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội thì xử lý đơn khiếu nại không thuộc thẩm quyền giải quyết trong ngành Lao động - Thương binh và Xã hội được quy định như sau:  

1. Đơn khiếu nại không thuộc thẩm quyền giải quyết, người xử lý đơn dự thảo văn bản trình Thủ trưởng cơ quan trả lại đơn và hướng dẫn người khiếu nại gửi đơn khiếu nại đến cơ quan, người có thẩm quyền để được giải quyết theo quy định của Luật Khiếu nại. Việc hướng dẫn chỉ thực hiện một lần theo Mẫu số 03-XLĐ ban hành kèm theo Thông tư số 07/2014/TT-TTCP ngày 31/10/2014.

2. Đơn khiếu nại thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp dưới nhưng quá thời hạn theo quy định của Luật Khiếu nại mà chưa được giải quyết, người xử lý đơn đề xuất với Thủ trưởng cơ quan xem xét giải quyết hoặc ra văn bản yêu cầu cấp dưới giải quyết vụ việc khiếu nại đó.

3. Đối với đơn khiếu nại do đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các thành viên của Mặt trận, các cơ quan báo chí hoặc các cơ quan khác nhận được và chuyển đến nhưng không thuộc thẩm quyền giải quyết thì người xử lý đơn đề xuất Thủ trưởng cơ quan gửi trả lại đơn kèm theo các giấy tờ, tài liệu (nếu có) và thông báo bằng văn bản nêu rõ lý do không thụ lý cho cơ quan, tổ chức, cá nhân chuyển đơn đến. Việc trả lại đơn thực hiện theo Mẫu số 04-XLĐ ban hành kèm theo Thông tư số 07/2014/TT-TTCP ngày 31/10/2014.

Trên đây là nội dung tư vấn về xử lý đơn khiếu nại không thuộc thẩm quyền giải quyết trong ngành Lao động - Thương binh và Xã hội. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này vui lòng tham khảo thêm tại Thông tư 53/2015/TT-BLĐTBXH.

Trân trọng! 

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào