Quan hệ đối tác là gì?
Đối với thắc mắc của bạn, hiện nay, trong hệ thống các văn bản pháp luật của Việt Nam chưa có khái niệm cụ thể về quan hệ đối tác. Tuy nhiên, một cách cơ bản, chúng ta có thể hiểu khái niệm này như sau:
Trong quan hệ ngoại giao giữa hai quốc gia, người ta thường phân định ra thành bốn cấp độ từ thấp đến cao lần lượt là: Đối tác (partnership) – đối tác toàn diện (comprehensive partnership) – đối tác chiến lược (strategic partnership) và mức cao nhất là đối tác chiến lược toàn diện (comprehensively strategic partnership).
Trong đó, quan hệ đối tác là thuật ngữ dùng để chỉ mối quan hệ hợp tác giữa hai quốc gia trong một lĩnh vực cụ thể để thực hiện những mục tiêu chung mà hai nước cùng có sự tin cậy lẫn nhau: ví dụ công ty của nước A hợp tác với công ty của nước B cùng khai thác mỏ.
Có thể nói quan hệ đối tác là mối quan hệ hợp tác phổ biến nhất trong các cấp độ quan hệ ngoại giao giữa các quốc gia.
Cho đến thời điểm hiện nay, Việt Nam đã có quan hệ đối tác với 180 trong 193 quốc gia thành viên Liên Hợp quốc; có quan hệ thương mại với gần 230 quốc gia và vùng lãnh thổ; là thành viên tích cực của trên 70 tổ chức khu vực và quốc tế. Chúng ta đã có 98 cơ quan đại diện tại các quốc gia và vùng lãnh thổ ở các châu lục.
Tính đến giữa năm 2015, quan hệ kinh tế - thương mại của Việt Nam với 224 đối tác đã thu hút trên 250 tỷ USD đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Trong 5 năm qua, chúng ta đã thiết lập thêm 36 đối tác mới, nâng tổng số đối tác chính thức công nhận quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam lên 59 quốc gia.
Trên đây là nội dung tư vấn đối với thắc mắc của bạn về quan hệ đối tác. Nếu có vấn đề gì thắc mắc, vui lòng liên hệ để chúng tôi có thể hỗ trợ bạn tốt hơn.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật