Xác định thẩm quyền giải quyết và xử lý nội dung đơn của công dân trong ngành Lao động - Thương binh và Xã hội
Theo quy định tại Điều 8 Thông tư 53/2015/TT-BLĐTBXH Hướng dẫn về quy trình tiếp công dân và xử lý đơn thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội thì xác định thẩm quyền giải quyết và xử lý nội dung đơn của công dân trong ngành Lao động - Thương binh và Xã hội được quy định như sau:
1. Căn cứ nội dung công dân trình bày là khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, hỏi chính sách, người tiếp công dân xác định thẩm quyền của cá nhân, cơ quan, đơn vị giải quyết.
Việc xác định thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực lao động, người có công và xã hội thực hiện theo quy định tại Điều 12, Điều 17 và Điều 18 Thông tư này.
2. Xử lý nội dung thuộc thẩm quyền
a) Trường hợp công dân đến khiếu nại, nội dung thuộc thẩm quyền giải quyết của Thủ trưởng cơ quan và không thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 11 Luật Khiếu nại, người tiếp công dân phải làm các thủ tục tiếp nhận đơn khiếu nại và các thông tin, tài liệu kèm theo do người khiếu nại cung cấp, chuyển đến bộ phận xử lý đơn để báo cáo với Thủ trưởng cơ quan thụ lý trong thời hạn do pháp luật quy định.
Nếu khiếu nại thuộc thẩm quyền giải quyết nhưng không đủ các điều kiện để thụ lý giải quyết theo quy định, người tiếp công dân căn cứ vào từng trường hợp cụ thể để trả lời hoặc hướng dẫn cho người khiếu nại bổ sung những thủ tục cần thiết để thực hiện việc khiếu nại.
b) Trường hợp công dân đến tố cáo, nội dung thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan hoặc người có thẩm quyền thuộc cơ quan, đơn vị mình mà không thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2, Điều 20 Luật Tố cáo, người tiếp công dân nhận đơn tố cáo, chuyển đến bộ phận xử lý đơn để báo cáo Thủ trưởng cơ quan hoặc chuyển người có thẩm quyền xem xét, thụ lý giải quyết theo quy định của Luật Tố cáo.
c) Trường hợp công dân đến kiến nghị, phản ánh thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, đơn vị mình, người tiếp công dân nhận đơn, chuyển bộ phận xử lý đơn để báo cáo người có thẩm quyền nghiên cứu, xem xét, giải quyết.
d) Trường hợp công dân đến hỏi chính sách thuộc lĩnh vực quản lý của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, người tiếp công dân trả lời. Nếu người tiếp công dân chưa trả lời được thì đề nghị cán bộ thuộc đơn vị chức năng tiếp và trả lời công dân. Trường hợp cán bộ thuộc đơn vị chức năng chưa thể trả lời ngay thì hẹn trả lời công dân theo quy định.
3. Xử lý nội dung không thuộc thẩm quyền
a) Trường hợp khiếu nại không thuộc thẩm quyền giải quyết của Thủ trưởng cơ quan, đơn vị mình, người tiếp công dân hướng dẫn người khiếu nại gửi đơn đến đúng cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật.
b) Trường hợp tố cáo không thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, đơn vị mình, người tiếp công dân hướng dẫn công dân gửi đơn đến cơ quan có thẩm quyền. Nếu công dân yêu cầu được nhận đơn, người tiếp công dân tiếp nhận, chuyển bộ phận xử lý đơn làm thủ tục chuyển đơn và các tài liệu liên quan đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
Trường hợp tố cáo đã được cấp có thẩm quyền giải quyết nhưng người tố cáo không cung cấp thông tin, bằng chứng mới, người tiếp công dân không tiếp nhận và giải thích cho người tố cáo biết.
c) Trường hợp kiến nghị, phản ánh, hỏi chính sách không thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan mình, người tiếp công dân hướng dẫn công dân đến cơ quan có thẩm quyền xử lý.
Trên đây là nội dung tư vấn về xác định thẩm quyền giải quyết và xử lý nội dung đơn của công dân trong ngành Lao động - Thương binh và Xã hội. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này vui lòng tham khảo thêm tại Thông tư 53/2015/TT-BLĐTBXH.
Trân trọng!