Kế hoạch tài chính của Ngân hàng Nhà nước được quy định thế nào?
Ngày 18/12/2013, Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư 195/2013/TT-BTC hướng dẫn chế độ tài chính của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Thông tư này hướng dẫn việc thực hiện chế độ tài chính của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sau đây gọi tắt là Ngân hàng Nhà nước), bao gồm: Ngân hàng Nhà nước tại trung ương; các Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố; các văn phòng đại diện ở trong nước và ngoài nước; các đơn vị sự nghiệp thuộc Ngân hàng Nhà nước chưa thực hiện chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm.
Theo đó, kế hoạch tài chính của Ngân hàng Nhà nước là một trong những nội dung trọng tâm và được quy định tại Điều 12 Thông tư 195/2013/TT-BTC. Cụ thể như sau:
1. Năm tài chính của Ngân hàng Nhà nước bắt đầu từ ngày 01 tháng 01 và kết thúc vào cuối ngày 31 tháng 12 năm dương lịch.
2. Kế hoạch tài chính:
2.1. Ngân hàng Nhà nước lập kế hoạch tài chính từng năm và cho từng thời kỳ giao khoán theo hướng dẫn của Bộ Tài chính. Kế hoạch tài chính của Ngân hàng Nhà nước bao gồm các bộ phận kế hoạch:
a) Kế hoạch thu nhập - chi phí (kèm theo thuyết minh chi tiết về các mục thu - chi và các định mức chi tiêu cụ thể dự kiến cho năm kế hoạch).
b) Kế hoạch xây dựng cơ bản và mua sắm tài sản cố định (kèm theo thuyết minh chi tiết về dự kiến xây dựng cơ bản, mua sắm tài sản cố định và cân đối các nguồn vốn).
c) Kế hoạch biên chế - tiền lương - thu nhập.
2.2. Kế hoạch thu, chi tài chính của Ngân hàng Nhà nước được lập hàng năm, gửi Bộ Tài chính thẩm định và tổng hợp vào dự toán ngân sách Nhà nước theo quy định của Luật ngân sách nhà nước.
2.3. Trên cơ sở dự toán ngân sách nhà nước được Quốc hội phê duyệt, Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kế hoạch thu chi và thu nộp ngân sách nhà nước của Ngân hàng Nhà nước.
Trên đây là nội dung tư vấn đối với thắc mắc của bạn về kế hoạch tài chính của Ngân hàng Nhà nước. Để hiểu chi tiết hơn về vấn đề này, bạn vui lòng tham khảo thêm tại Thông tư 195/2013/TT-BTC.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật