Những khoản nào của Ngân hàng Nhà nước không được hạch toán vào chi phí?

Các khoản của Ngân hàng Nhà nước không được hạch toán vào chi phí được quy định ra sao? Xin chào các chuyên gia Thư Ký Luật. Tôi hiện đang sinh sống và làm việc tại TP.HCM trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng. Trong quá trình làm việc, tôi có tìm hiểu thêm về tổ chức và hoạt động của Ngân hàng Nhà nước. Tôi được biết, trong chế độ tài chính của Ngân hàng Nhà nước có quy định rất nhiều khoản thu và chi. Cho tôi hỏi, những khoản nào của Ngân hàng Nhà nước không được hạch toán vào chi phí? Nội dung này tôi có thể tham khảo thêm tại đâu? Rất mong sớm nhận được hồi âm từ Quý chuyên gia. Xin chân thành cảm ơn và kính chúc sức khỏe!  Trần Hoàng Hải (hai***@gmail.com)

Ngày 18/12/2013, Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư 195/2013/TT-BTC hướng dẫn chế độ tài chính của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Thông tư này hướng dẫn việc thực hiện chế độ tài chính của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sau đây gọi tắt là Ngân hàng Nhà nước), bao gồm: Ngân hàng Nhà nước tại trung ương; các Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố; các văn phòng đại diện ở trong nước và ngoài nước; các đơn vị sự nghiệp thuộc Ngân hàng Nhà nước chưa thực hiện chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm.

Theo đó, các khoản của Ngân hàng Nhà nước không được hạch toán vào chi phí là một trong những nội dung trọng tâm và được quy định tại Mục 2.3 Khoản 2 Điều 8 Thông tư 195/2013/TT-BTC. Cụ thể bao gồm:

a) Các khoản tiền phạt phải nộp Nhà nước hoặc phải trả cho khách hàng về những thiệt hại vật chất do nguyên nhân chủ quan Ngân hàng Nhà nước gây ra trong quá trình thực hiện nghiệp vụ ngân hàng;

b) Các khoản tiền phạt về vi phạm hành chính mà cá nhân phải nộp phạt theo quy định của pháp luật;

c) Các khoản chi đầu tư xây dựng cơ bản, mua sắm, cải tạo, nâng cấp tài sản cố định. Các khoản chi cho xây dựng, sửa chữa, bảo dưỡng và trang thiết bị các tài sản phúc lợi như nhà ở, nhà nghỉ của cán bộ, công chức và nhân viên hợp đồng Ngân hàng Nhà nước; các khoản chi cho các công trình phúc lợi khác;

d) Các khoản chi ủng hộ địa phương, các tổ chức xã hội, các cơ quan khác;

đ) Các khoản chi không liên quan đến hoạt động của Ngân hàng Nhà nước;

e) Các khoản chi do các nguồn kinh phí khác đài thọ;

g) Các khoản chi không hợp lý, hợp lệ khác.

Trên đây là nội dung tư vấn đối với thắc mắc của bạn về nguyên tắc ghi nhận chi phí của Ngân hàng Nhà nước. Để hiểu chi tiết hơn về vấn đề này, bạn vui lòng tham khảo thêm tại Thông tư 195/2013/TT-BTC.

Trân trọng!

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào