Phương pháp lấy mẫu hàng hóa xuất nhập khẩu để phân tích, kiểm định hải quan

Phương pháp lấy mẫu hàng hóa xuất nhập khẩu để phân tích, kiểm định hải quan được quy định như thế nào? Xin chào Ban biên tập Thư Ký Luật! Tôi đang trong quá trình làm đề tài khoa học về hoạt động, thủ tục hải quan và mua bán hàng hóa quốc tế. Có một thắc mắc pháp lý mong được các anh chị giải đáp để tôi hoàn thành đề tài. Quý anh chị cho tôi hỏi: Phương pháp lấy mẫu hàng hóa xuất nhập khẩu để phân tích, kiểm định hải quan được quy định như thế nào? Tôi có thể tham khảo vấn đề này tại văn bản nào? Rất mong nhận được câu trả lời của quý anh chị. Tôi xin chân thành cám ơn! Anh Tuấn (tuan***@gmail.com)

Phương pháp lấy mẫu hàng hóa xuất nhập khẩu để phân tích, kiểm định hải quan được quy định tại Phần IV Phụ lục I Quy chế kiểm định, phân tích hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu do Tổng cục Hải quan ban hành kèm theo Quyết định 2999/QĐ-TCHQ năm 2017 như sau:

- Trường hợp lô hàng đồng nhất thì chỉ cần lấy trong một đơn vị đóng gói tại các vị trí khác nhau (trên, dưới, giữa) rồi trộn đều thành một mẫu chung.

- Trường hợp lô hàng nghi ngờ không đồng nhất thì phải lấy trên các bao gói khác nhau, ở các vị trí khác nhau (trên, dưới, giữa và các góc), sau đó trộn đều thành một mẫu chung.

- Đối với hàng hóa ở dạng lỏng, trước khi lấy mẫu cần phải khuấy, lắc đều tạo độ đồng nhất.

- Đối với hàng hóa được đóng gói là bộ sản phẩm phải lấy cả bộ sản phẩm.

- Đối với các mẫu sắt thép: Các mẫu sắt thép được cắt bằng cơ khí phải làm mát liên tục để đảm bảo không làm biến đổi đặc tính hóa lý của sản phẩm. Lấy kèm thêm hoặc chụp hình tấm nhãn mác (bằng giấy hoặc nhôm) thường được gắn kèm trên mỗi cuộn sắt thép khi xuất xưởng và chụp ảnh mẫu thể hiện được bề mặt lớn, cạnh, mặt đầu, các góc cạnh.

- Đối với hàng hóa độc hại, dễ cháy nổ, nguy hiểm: Việc lấy mẫu phải được trang bị bảo hộ lao động và lấy ở nơi thông thoáng; nếu mẫu dễ biến đổi do tác động của môi trường thì phải thao tác nhanh.

Trên đây là nội dung quy định về phương pháp lấy mẫu hàng hóa xuất nhập khẩu để phân tích, kiểm định hải quan. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này bạn nên tham khảo thêm tại Quyết định 2999/QĐ-TCHQ năm 2017.

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Xuất nhập khẩu

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào