Nguyên tắc lấy mẫu hàng hóa xuất nhập khẩu để phân tích, kiểm định hải quan

Nguyên tắc lấy mẫu hàng hóa xuất nhập khẩu để phân tích, kiểm định hải quan được quy định như thế nào? Xin chào Ban biên tập Thư Ký Luật! Tôi đang trong quá trình làm đề tài khoa học về hoạt động, thủ tục hải quan và mua bán hàng hóa quốc tế. Có một thắc mắc pháp lý mong được các anh chị giải đáp để tôi hoàn thành đề tài. Quý anh chị cho tôi hỏi: Nguyên tắc lấy mẫu hàng hóa xuất nhập khẩu để phân tích, kiểm định hải quan được quy định như thế nào? Tôi có thể tham khảo vấn đề này tại văn bản nào? Rất mong nhận được câu trả lời của quý anh chị. Tôi xin chân thành cám ơn! Minh Thắng (thang***@gmail.com)

Nguyên tắc lấy mẫu hàng hóa xuất nhập khẩu để phân tích, kiểm định hải quan được quy định tại Phần I Phụ lục I Quy chế kiểm định, phân tích hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu do Tổng cục Hải quan ban hành kèm theo Quyết định 2999/QĐ-TCHQ năm 2017 như sau:

- Việc lấy mẫu hàng hóa xuất nhập khẩu để phân tích, kiểm định được thực hiện, theo quy định tại khoản 1, khoản 4 Điều 10 Thông tư 14/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính.

- Trước khi lấy mẫu, cần nghiên cứu kỹ hồ sơ và thực tế lô hàng, các ký hiệu, biểu tượng trên nhãn mác, bao bì nhằm xác định lô hàng thuộc loại hàng hóa nguy hiểm, dễ hỏng... để chuẩn bị cho công tác lấy mẫu.

- Đối với một mặt hàng yêu cầu phân tích, kiểm định phải lấy hai mẫu, niêm phong hải quan riêng từng mẫu, sau đó đựng chung vào một bao bì đóng gói cho mục đích vận chuyển và gửi đến đơn vị kiểm định.

Theo đó, Khoản 1 và Khoản 4 Điều 10 Thông tư 14/2015/TT-BTC quy định như sau:

1. Lấy mẫu hàng hóa

a) Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu phải lấy mẫu để phân tích theo quy định tại Khoản 5 Điều 29 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21/1/2015. Việc lấy mẫu thực hiện theo phiếu yêu cầu phân tích kiêm Biên bản lấy mẫu hàng hóa (theo mẫu số 05/PYCPT/2015 Phụ lục ban hành kèm Thông tư này). Mẫu được lấy từ chính lô hàng cần phân tích và mang tính đại diện; phải đủ về số lượng, khối lượng để phục vụ cho việc trưng cầu giám định hoặc giải quyết khiếu nại. Khi lấy mẫu phải có đại diện của người khai hải quan. Mẫu phải được các bên ký xác nhận và niêm phong. Khi bàn giao mẫu phải có biên bản bàn giao và ký xác nhận của các bên.

Trường hợp lấy mẫu nhưng vắng mặt người khai hải quan, cơ quan hải quan lấy mẫu với sự chứng kiến của cơ quan nhà nước tại khu vực cửa khẩu, đại diện doanh nghiệp vận tải, doanh nghiệp kinh doanh cảng, kho bãi và phải có ký xác nhận của các bên chứng kiến.

b) Số lượng mẫu: 02 mẫu.

Trường hợp không thể lấy đủ số lượng mẫu thì lấy 01 mẫu và gửi kèm catalogue, hình ảnh của mẫu.

Trường hợp người khai hải quan chỉ nhập khẩu 01 mẫu thì không thực hiện lấy mẫu.

c) Giao nhận mẫu: Cơ quan hải quan nơi có yêu cầu phân tích trực tiếp gửi mẫu. Trường hợp người khai hải quan đề nghị được trực tiếp chuyển mẫu thì phải chịu trách nhiệm về tính toàn vẹn của mẫu và thời gian gửi mẫu.

Mẫu chỉ có giá trị pháp lý khi còn nguyên niêm phong.

...

4. Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan hướng dẫn cụ thể về quy trình kỹ thuật, chứng từ đối với việc lấy mẫu, quyết định hủy mẫu.

Trên đây là nội dung quy định về nguyên tắc lấy mẫu hàng hóa xuất nhập khẩu để phân tích, kiểm định hải quan. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này bạn nên tham khảo thêm tại Quyết định 2999/QĐ-TCHQ năm 2017.

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Xuất nhập khẩu

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào