Hồ sơ yêu cầu phân tích để phân loại đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu trong khi làm thủ tục hải quan và sau khi đã thông quan

Hồ sơ yêu cầu phân tích để phân loại đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu trong khi làm thủ tục hải quan và sau khi đã thông quan bao gồm những gì? Xin chào Ban biên tập Thư Ký Luật! Tôi đang trong quá trình làm đề tài khoa học về hoạt động, thủ tục hải quan và mua bán hàng hóa quốc tế. Có một thắc mắc pháp lý mong được các anh chị giải đáp để tôi hoàn thành đề tài. Quý anh chị cho tôi hỏi: Hồ sơ yêu cầu phân tích để phân loại đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu trong khi làm thủ tục hải quan và sau khi đã thông quan bao gồm những gì? Tôi có thể tham khảo vấn đề này tại văn bản nào? Rất mong nhận được câu trả lời của quý anh chị. Tôi xin chân thành cám ơn! Thanh Bình (thanhbinh***@gmail.com)

Hồ sơ yêu cầu phân tích để phân loại đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu trong khi làm thủ tục hải quan và sau khi đã thông quan được quy định tại Điều 8 Quy chế kiểm định, phân tích hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu do Tổng cục Hải quan ban hành kèm theo Quyết định 2999/QĐ-TCHQ năm 2017 như sau:

1. Chứng từ trong hồ sơ yêu cầu phân tích phân loại

1.1. Thực hiện theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 9 Thông tư số 14/2015/TT-BTC, trong đó Phiếu ghi số, ngày văn bản theo mẫu số 01/TLHS PTPL/2017 ban hành kèm theo Quy chế này; Trường hợp hàng hóa gửi phân tích thuộc “Danh mục các mặt hàng không phải lấy mẫu phân tích nhằm mục đích phân loại” nhưng nghi ngờ có gian lận thì tại mục 10 của Phiếu yêu cầu phân tích kiêm biên bản lấy mẫu hàng hóa ban hành kèm theo Thông tư số 14/2015/TT-BTC, đơn vị yêu cầu phân tích phải ghi lý do nghi ngờ gian lận.

Phiếu ghi kiểm tra thực tế hàng hóa (nếu có) của cán bộ kiểm hóa (mẫu số 06/PGKQKT/GSQL Phụ lục 5 Thông tư 38/2015/TT-BTC) để có cơ sở xác định kích thước ban đầu của hàng hóa khi nhập khẩu; bản chụp màn hình thể hiện việc đã nhập cơ sở dữ liệu, đã tra cứu trên cơ sở dữ liệu nhưng không có thông tin để tham khảo.

Các bản sao đóng dấu giáp lai của chứng từ hiện có trong bộ hồ sơ hải quan đang được lưu tại Chi cục Hải quan nơi làm thủ tục (nếu có) như: Hợp đồng thương mại (hoặc hóa đơn thương mại), tài liệu kỹ thuật của hàng hóa, chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O), giấy chứng nhận phân tích thành phần hàng hóa (C/A), giấy chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa (C/Q).

1.2. Trong quá trình phân tích, đối với những mặt hàng phức tạp mà hồ sơ, tài liệu chưa thể hiện rõ thông tin kỹ thuật và công dụng của hàng hóa thì đơn vị kiểm định trao đổi trực tiếp hoặc văn bản với đơn vị yêu cầu phân tích hoặc người khai hải quan để làm rõ. Việc cung cấp thông tin được thể hiện bằng văn bản.

2. Mẫu hàng hóa

2.1. Việc lấy mẫu, giao nhận mẫu thực hiện theo khoản 1 Điều 10 Thông tư 14/2015/TT-BTC và các quy định tại Phụ lục 1 được ban hành kèm theo Quy chế này. Cơ quan Hải quan nơi có yêu cầu phân tích trực tiếp gửi mẫu hoặc gửi mẫu thông qua dịch vụ bưu điện chuyển phát nhanh.

a. Không lấy mẫu phân tích nhằm mục đích phân loại đối với các hàng hóa:

+ Có thể xác định được bản chất làm căn cứ phân loại thông qua hồ sơ, tài liệu kỹ thuật kèm theo hoặc những hàng hóa có thể phân loại được thông qua thông tin tại Cơ sở dữ liệu về Danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu Việt Nam; cơ sở dữ liệu về Biểu thuế của cơ quan hải quan.

+ Thuộc “Danh mục các mặt hàng không phải lấy mẫu phân tích nhằm mục đích phân loại” trừ trường hợp hàng hóa xuất nhập khẩu thuộc Danh mục này nhưng nghi ngờ có gian lận.

b. Trường hợp hàng hóa yêu cầu phân tích chỉ lấy được 01 mẫu (mẫu có giá trị, không bị thay đổi cấu trúc, cấu tạo trong quá trình nghiên cứu và thực hiện phân tích) thì trên phiếu yêu cầu phân tích phải ghi bổ sung thêm dòng chữ “Lưu ý: Chỉ lấy một mẫu”.

c. Trường hợp hàng hóa có kích thước lớn không vận chuyển được đến đơn vị kiểm định thì đơn vị yêu cầu phân tích cung cấp hình ảnh, catalogue để làm rõ thông tin liên quan đến mẫu. Trong trường hợp cần thiết, đơn vị kiểm định cử cán bộ trực tiếp đến nơi lưu giữ mẫu để thực hiện kiểm tra phân tích.

d. Mẫu chỉ có giá trị pháp lý khi còn nguyên vẹn niêm phong hải quan.

2.2. Việc sử dụng mẫu được thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 10 Thông tư 14/2015/TT-BTC, trong đó đơn vị kiểm định tiến hành phân tích 01 mẫu và lưu 01 mẫu.

Mẫu lưu được lưu tại đơn vị kiểm định; thời gian lưu mẫu thực hiện theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 10 Thông tư số 14/2015/TT-BTC.

2.3. Việc trả lại mẫu và hủy mẫu thực hiện theo các quy định tại điểm c, điểm d khoản 3 Điều 10 Thông tư số 14/2015/TT-BTC, trong đó việc hủy mẫu phải có quyết định của Thủ trưởng đơn vị kiểm định. Quyết định hủy mẫu, biên bản hủy mẫu thực hiện theo mẫu số 02/QĐHM-BBHM/2017 ban hành kèm theo Quy chế này.

Đơn vị kiểm định thông báo bằng văn bản cho đơn vị yêu cầu phân tích tên các mẫu hàng hóa không được lưu giữ và bị hủy trong thời hạn lưu (áp dụng cho chủng loại hàng đặc biệt quy định tại điểm b khoản 3 Điều 10 Thông tư số 14/2015/TT-BTC).

Đơn vị kiểm định không chịu trách nhiệm về sự biến dạng và thay đổi tính chất của mẫu trong quá trình phân tích hoặc chất lượng mẫu lưu đối với những mẫu tự biến chất trong thời gian lưu mẫu.

Trên đây là nội dung quy định về hồ sơ yêu cầu phân tích để phân loại đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu trong khi làm thủ tục hải quan và sau khi đã thông quan. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này bạn nên tham khảo thêm tại Quyết định 2999/QĐ-TCHQ năm 2017.

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Xem và lấy mẫu hàng hóa trước khi khai hải quan

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào