Trách nhiệm của tổ chức được giao quản lý, sử dụng di sản thế giới
Theo quy định tại Điều 15 Nghị định 109/2017/NĐ-CP quy định về bảo vệ và quản lý Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới ở Việt Nam có hiệu lực từ ngày 10/11/2017 thì trách nhiệm của tổ chức được giao quản lý, sử dụng di sản thế giới được quy định cụ thể như sau:
- Tổ chức được giao quản lý, sử dụng di sản thế giới là tổ chức chịu trách nhiệm trực tiếp bảo vệ và giữ gìn toàn diện di sản thế giới, được thành lập, tổ chức lại, giải thể theo quy định của Chính phủ về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập.
- Việc kiện toàn bộ máy tổ chức được giao quản lý, sử dụng di sản thế giới cần căn cứ vào loại hình, giá trị, quy mô, yêu cầu bảo vệ và giữ gìn di sản thế giới; bảo đảm tinh gọn để thực hiện toàn bộ hoặc một số chức năng sau: Bảo vệ; nghiên cứu khoa học; tu bổ di tích; hóa nghiệm bảo quản, phục chế, tu sửa hiện vật; tôn tạo cảnh quan và kiểm soát môi trường, giám sát nguồn nước; bảo vệ tài nguyên rừng, thủy sản, địa chất, địa mạo; cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật; kiểm lâm, kiểm ngư; thuyết minh, giáo dục; bảo tàng, thư viện; biểu diễn nghệ thuật, trình diễn di sản văn hóa phi vật thể; truyền thông, đối ngoại; tư vấn bảo tồn, quản lý dự án; hợp tác cộng đồng; phát triển du lịch bền vững, dịch vụ và xúc tiến du lịch.
Trên đây là nội dung tư vấn về trách nhiệm của tổ chức được giao quản lý, sử dụng di sản thế giới. Để biết thêm thông tin chi tiết, bạn nên tham khảo thêm tại Nghị định 109/2017/NĐ-CP.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật