Trách nhiệm của chính quyền các cấp trong việc thực hiện công tác dân vận

Trách nhiệm của chính quyền các cấp trong việc thực hiện công tác dân vận là gì? Chào các anh/chị trong Ban biên tập Thư Ký Luật. Tôi đang là sinh viên năm 3 Học viện hành chính quốc gia, hiện tại tôi muốn tìm hiểu một số thông tin quy định liên quan đến trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện công tác dân vận để phục vụ cho nhu cầu công việc của mình. Tuy nhiên, trong quá trình tìm hiểu tôi gặp một chút khó khăn. Chính vì thế, tôi có câu hỏi này mong nhận được sự tư vấn của Quý ban biên tập. Nội dung thắc mắc như sau: Chính quyền các cấp có trách nhiệm như thế nào trong việc thực hiện công tác dân vận? Văn bản nào quy định vấn đề này? Mong sớm nhận được câu trả lời từ Ban biên tập! Tôi chân thành cảm ơn và chúc sức khỏe anh/chị rất nhiều. Anh Duy (duy***@gmail.com)

Trách nhiệm của chính quyền các cấp trong việc thực hiện công tác dân vận được quy định tại Điều 16 Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị ban hành kèm theo Quyết định 290-QĐ/TW năm 2010 của Bộ Chính trị như sau:

1. Xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể để thực hiện chủ trương, nghị quyết, chỉ thị của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác dân vận. Triển khai thực hiện nghiêm túc các quy định pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở.

2. Thực hiện cải cách thủ tục hành chính; công khai, minh bạch các chủ trương, chính sách; các chương trình, dự án phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương; các khoản thu, chi từ ngân sách và các nguồn khác; thủ tục hành chính và quy trình giải quyết thủ tục hành chính theo quy định của pháp luật.

3. Thực hiện chế độ tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với nhân dân và chế độ tiếp dân định kỳ; nghiêm túc tiếp thu ý kiến phê bình, góp ý của nhân dân về công tác quản lý, điều hành, về thái độ và phong cách làm việc của cán bộ, công chức; giải quyết kịp thời đơn, thư khiếu nại, tố cáo và những vấn đề bức xúc của nhân dân.

4. Thường xuyên kiểm tra việc thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng về công tác dân vận. Phối hợp với ban dân vận của cấp ủy cùng cấp chỉ đạo kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về dân chủ ở cơ sở và công tác dân vận của chính quyền.

5. Phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể vận động nhân dân thực hiện các nhiệm vụ kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng. Tổ chức lấy ý kiến của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và nhân dân tham gia xây dựng các chính sách, quy hoạch và những chương trình, dự án lớn của địa phương. Thường xuyên lắng nghe và giải quyết kịp thời ý kiến của mặt trận và các đoàn thể phản ánh, kiến nghị với chính quyền những vấn đề mà nhân dân quan tâm.

Định kỳ sáu tháng, một năm, chính quyền có chương trình làm việc với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân cùng cấp.

6. Ban hành các quy định đối với cán bộ, công chức, viên chức chính quyền trong thi hành công vụ, tiếp xúc, giải quyết công việc với dân có thái độ chân thành, tôn trọng dân, hướng dẫn và giúp đỡ nhân dân; gương mẫu chấp hành các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Xử lý kịp thời, nghiêm minh những cán bộ, công chức, viên chức có hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu, gây phiền hà cho dân, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân trong thi hành công vụ.

7. Bảo đảm kinh phí hoạt động và tạo điều kiện về cơ sở vật chất, quan tâm giải quyết chính sách cán bộ của khối dân vận, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân.

Trên đây là nội dung tư vấn về trách nhiệm của chính quyền các cấp trong việc thực hiện công tác dân vận. Để có thể hiểu chi tiết hơn về quy định này bạn vui lòng tham khảo thêm tại Quyết định 290-QĐ/TW năm 2010.

Trân trọng thông tin đến bạn!

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào