Trách nhiệm của Quốc hội trong việc thực hiện công tác dân vận
Trách nhiệm của Quốc hội trong việc thực hiện công tác dân vận được quy định tại Điều 11 Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị ban hành kèm theo Quyết định 290-QĐ/TW năm 2010 của Bộ Chính trị như sau:
1. Thể chế hóa các chủ trương, nghị quyết, chỉ thị của Đảng về công tác dân vận thành văn bản pháp luật và chính sách của Nhà nước.
2. Tổ chức lấy ý kiến rộng rãi của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, các tầng lớp nhân dân đối với các dự án luật, dự án pháp lệnh theo quy định của pháp luật, nhất là những vấn đề có liên quan đến lợi ích, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Ý kiến đóng góp của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức thành viên và của công dân phải được tập hợp, nghiên cứu, tiếp thu; bảo đảm các chủ trương, quyết sách hợp lòng dân.
3. Quy định đại biểu Quốc hội, đại biểu hội đồng nhân dân các cấp có kế hoạch cụ thể, thiết thực tìm hiểu các hoạt động của đời sống xã hội ở địa phương, để name bắt tình hình thực tiễn và tâm tư, nguyện vọng của cử tri.
4. Tăng cường giám sát hoạt động của các cơ quan hành pháp, tư pháp, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân theo quy định của pháp luật; đôn đốc, theo dõi các cơ quan có trách nhiệm giải quyết những yêu cầu chính đáng của cử tri và nhân dân.
5. Phát huy vai trò tư vấn, giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân trong việc xây dựng và triển khai thực hiện các văn bản pháp luật, quyết định các chương trình kinh tế, xã hội và các vấn đề lớn của đất nước theo quy định của pháp luật.
Trên đây là nội dung tư vấn về trách nhiệm của Quốc hội trong việc thực hiện công tác dân vận. Để có thể hiểu chi tiết hơn về quy định này bạn vui lòng tham khảo thêm tại Quyết định 290-QĐ/TW năm 2010.
Trân trọng thông tin đến bạn!