Khi nào thì doanh nghiệp kiểm toán có thể được kiểm tra đột xuất?

Trường hợp kiểm tra đột xuất trực tiếp chất lượng dịch vụ kiểm toán được quy định như thế nào? Xin chào các chuyên gia Thư Ký Luật. Em là sinh viên đang theo học ngành Tài chính - Ngân hàng tại trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Trong quá trình học, em có tìm hiểu thêm về hoạt động kiểm soát chất lượng dịch vụ kiểm toán. Qua một vài tài liệu, em được biết, hiện nay, hoạt động kiểm soát chất lượng dịch vụ kiểm toán có thể được tiến hành thông qua các hình thức như giám sát chất lượng dịch vụ kiểm toán, kiểm tra trực tiếp chất lượng. Vậy, đối với trường hợp kiểm tra trực tiếp thì khi nào doanh nghiệp kiểm toán có thể được kiểm tra đột xuất? Vấn đề này em có thể tham khảo thêm tại đâu? Rất mong sớm nhận được hồi âm từ Quý chuyên gia. Em xin chân thành cảm ơn và kính chúc sức khỏe! Minh Luân (luan***@gmail.com)

Ngày 23/10/2014, Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư 157/2014/TT-BTC quy định về kiểm soát chất lượng dịch vụ kiểm toán. Thông tư này quy định việc tổ chức và thực hiện kiểm soát chất lượng dịch vụ kiểm toán, dịch vụ soát xét báo cáo tài chính, thông tin tài chính và dịch vụ đảm bảo khác theo quy định tại Khoản 1 Điều 40 Luật kiểm toán độc lập (sau đây gọi tắt là dịch vụ kiểm toán) của kiểm toán viên hành nghề và doanh nghiệp kiểm toán, chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam.

Theo đó, trường hợp kiểm tra đột xuất trực tiếp chất lượng dịch vụ kiểm toán là một trong những nội dung trọng tâm và được quy định tại Khoản 2 Điều 13 Thông tư 157/2014/TT-BTC. Cụ thể như sau:

Doanh nghiệp kiểm toán có thể được kiểm tra đột xuất khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Có dấu hiệu sai phạm về kết quả dịch vụ kiểm toán hoặc có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng chuẩn mực nghề nghiệp, pháp luật và các quy định có liên quan trong quá trình hoạt động và cung cấp dịch vụ kiểm toán;

b) Cung cấp hợp đồng dịch vụ kiểm toán có khả năng dẫn đến rủi ro kiểm toán lớn, thay thế cho hợp đồng dịch vụ kiểm toán do một doanh nghiệp kiểm toán khác cung cấp cho cùng một khách hàng mà không có lý do chính đáng;

c) Có tranh chấp lớn giữa các thành viên góp vốn hoặc biến động lớn về kiểm toán viên hành nghề của doanh nghiệp kiểm toán dẫn đến có khả năng ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng dịch vụ kiểm toán của doanh nghiệp kiểm toán;

d) Có thông tin phản ánh, tố giác về hành vi cạnh tranh không lành mạnh để thu hút khách hàng hoặc làm tổn hại đến lợi ích của các doanh nghiệp kiểm toán khác.

Cũng theo quy định này, doanh nghiệp kiểm toán đã được kiểm tra đột xuất thì có thể không được tiếp tục kiểm tra định kỳ ngay trong năm đó hoặc kiểm tra định kỳ có thể kết hợp với kiểm tra đột xuất để xác minh những vấn đề nêu tại Khoản 2 Điều này.

Trên đây là nội dung tư vấn đối với thắc mắc của bạn về trường hợp kiểm tra đột xuất trực tiếp chất lượng dịch vụ kiểm toán. Để hiểu chi tiết hơn về vấn đề này, bạn vui lòng tham khảo thêm tại Thông tư 157/2014/TT-BTC.

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Doanh nghiệp

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào