Sàng lọc sơ sinh là gì?
Theo quy định tại Khoản 3 Điều 2 Thông tư 34/2017/TT-BYT về Hướng dẫn tư vấn, sàng lọc, chẩn đoán, điều trị trước sinh và sơ sinh do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành có hiệu lực từ ngày 02/10/2017 thì sàng lọc sơ sinh được khái niệm cụ thể như sau:
Sàng lọc sơ sinh là việc sử dụng các kỹ thuật để phát hiện trẻ sơ sinh có nguy cơ mắc các bất thường bẩm sinh, các bệnh lý liên quan đến rối loạn nội tiết - chuyển hóa - di truyền nhưng chưa có biểu hiện trên lâm sàng ở giai đoạn sơ sinh.
Việc sàng lọc sơ sinh chỉ được thực hiện tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có giấy phép hoạt động và phạm vi chuyên môn kỹ thuật phù hợp.
Việc sàng lọc sơ sinh được thực hiện trên tinh thần tự nguyện. Riêng việc sàng lọc sơ sinh đối với người mang thai hộ vì mục đích nhân đạo quy định tại Khoản 2 Điều 97 Luật Hôn nhân và gia đình phải bắt buộc thực hiện.
Việc sàng lọc sơ sinh được thực hiện như sau:
- Nhân viên y tế tư vấn cho cha mẹ hoặc người giám hộ đối với sàng lọc sơ sinh các nội dung sau đây:
+ Mục đích, ý nghĩa, lợi ích và rủi ro có thể xảy ra khi tiến hành các kỹ thuật áp dụng trong sàng lọc;
+ Trình tự các bước thực hiện các kỹ thuật áp dụng trong sàng lọc đối với từng trường hợp cụ thể.
- Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh áp dụng các kỹ thuật sàng lọc theo hướng dẫn chuyên môn kỹ thuật của Bộ trưởng Bộ Y tế.
- Nhân viên y tế tư vấn cho cha mẹ hoặc người giám hộ sau sàng lọc sơ sinh các nội dung sau đây:
+ Thông báo và giải thích kết quả của các kỹ thuật sàng lọc;
+ Hướng dẫn cha mẹ hoặc người giám hộ đưa trẻ sơ sinh đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phù hợp để thực hiện các kỹ thuật chẩn đoán xác định bệnh nếu kết quả sàng lọc của trẻ nguy cơ mắc các bất thường bẩm sinh, các bệnh lý liên quan đến rối loạn nội tiết - chuyển hóa - di truyền.
Trên đây là nội dung tư vấn về khái niệm sàng lọc sơ sinh. Để biết thêm thông tin chi tiết, bạn nên tham khảo thêm tại Thông tư 34/2017/TT-BYT.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật