Bộ Y tế có trách nhiệm như thế nào đối với hoạt động kinh doanh rượu?

Trách nhiệm của Bộ Y tế đối với hoạt động kinh doanh rượu được quy định như thế nào? Xin chào các chuyên gia Thư Ký Luật. Tôi hiện đang sinh sống và làm việc tại Vĩnh Long. Vừa qua đọc báo tôi thấy một vài bài viết đề cập đến việc nhà nước sắp ban hành quy định mới về kinh doanh rượu. Tôi thắc mắc không biết theo quy định này thì các Bộ, ngành đơn cử như Bộ Y tế có trách nhiệm như thế nào đối với hoạt động kinh doanh rượu? Nội dung này tôi có thể tham khảo thêm tại đâu? Rất mong sớm nhận được hồi âm từ Quý chuyên gia. Xin chân thành cảm ơn và kính chúc sức khỏe! Khắc Hiếu (hieu***@gmail.com)

Ngày 01/11/2017, Nghị định 105/2017/NĐ-CP về kinh doanh rượu chính thức có hiệu lực. Nghị định này quy định về hoạt động kinh doanh rượu, bao gồm: Hoạt động sản xuất, nhập khẩu, phân phối, bán buôn, bán lẻ rượu; hoạt động bán rượu tiêu dùng tại chỗ.

Theo đó, trách nhiệm của Bộ Y tế đối với hoạt động kinh doanh rượu là một trong những nội dung trọng tâm và được quy định tại Điều 36 Nghị định 105/2017/NĐ-CP. Cụ thể như sau:

1. Kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về phòng, chống tác hại của rượu.

2. Phối hợp với các cơ quan liên quan trong việc phát hiện, kiểm tra, xử lý các cơ sở sản xuất rượu giả, rượu lậu, rượu không bảo đảm an toàn thực phẩm.

Liên quan đến nội dung này, để bạn nắm rõ hơn vấn đề, Ban biên tập gửi tới bạn thông tin về trách nhiệm của một số cơ quan khác đối với hoạt động kinh doanh rượu như sau:

- Bộ Công Thương:

+ Trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật về kinh doanh rượu.

+ Thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước đối với ngành rượu: trong đầu tư xây dựng theo các quy định của pháp luật và quy định tại Nghị định này.

+ Quản lý an toàn thực phẩm đối với rượu.

+ Thanh tra, kiểm tra, các cơ sở kinh doanh rượu về việc chấp hành quy định về chất lượng sản phẩm, an toàn thực phẩm và bảo vệ một trường; giải quyết các khiếu nại, tố cáo và xử lý các hành vi vi phạm trong hoạt động kinh doanh rượu.

+ Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền liên quan tổ chức kiểm tra, phát hiện và xử lý đối với các vi phạm khác về kinh doanh rượu.

+ Chủ trì hoặc phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước tổ chức tịch thu, xử lý đối với rượu nhập lậu, rượu giả, rượu không bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm, rượu không ghi nhãn, dán tem theo quy định.

+ Chủ trì, phối hợp kiểm tra, tổ chức tuyên truyền, phổ biến việc thực hiện Nghị định này.

- Bộ Tài chính:

Chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương quy định việc in, ban hành tem, dán tem và quản lý sử dụng tem đối với rượu sản xuất để tiêu thụ trong nước và rượu nhập khẩu.

- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ:

Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trong phạm vi quyền hạn của mình và theo sự phân công của Chính phủ có trách nhiệm phối hợp với Bộ Công Thương thực hiện quản lý nhà nước về kinh doanh rượu; tuyên truyền, phổ biến việc thực hiện Nghị định về kinh doanh rượu.

Trên đây là nội dung tư vấn đối với thắc mắc của bạn về trách nhiệm của Bộ Y tế đối với hoạt động kinh doanh rượu. Để hiểu chi tiết hơn về vấn đề này, bạn vui lòng tham khảo thêm tại Nghị định 105/2017/NĐ-CP.

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Bộ Y tế

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào