Nhiệm vụ, quyền hạn của thanh tra viên ngành Lao động - Thương binh và Xã hội
Theo quy định tại Điều 4 Thông tư 14/2015/TT-BLĐTBXH Quy định về thanh tra viên, công chức thanh tra chuyên ngành và cộng tác viên thanh tra ngành Lao động - Thương binh và Xã hội do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành thì nhiệm vụ, quyền hạn của thanh tra viên ngành Lao động - Thương binh và Xã hội được quy định như sau:
Thanh tra viên ngành Lao động - Thương binh và Xã hội có nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại Điều 46 và Điều 47 Luật Thanh tra khi thực hiện thanh tra hành chính; có nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại Điều 53 và Điều 54 Luật Thanh tra và các quy định của pháp luật chuyên ngành khi thực hiện thanh tra chuyên ngành. Cụ thể là:
Nhiệm vụ, quyền hạn của thành viên Đoàn thanh tra hành chính
1. Thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công của Trưởng đoàn thanh tra.
2. Yêu cầu đối tượng thanh tra cung cấp thông tin, tài liệu, báo cáo bằng văn bản, giải trình về vấn đề liên quan đến nội dung thanh tra; yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung thanh tra cung cấp thông tin, tài liệu đó.
3. Kiến nghị Trưởng đoàn thanh tra áp dụng biện pháp thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Trưởng đoàn thanh tra quy định tại Điều 46 của Luật này để bảo đảm thực hiện nhiệm vụ được giao.
4. Kiến nghị việc xử lý về vấn đề khác liên quan đến nội dung thanh tra.
5. Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao với Trưởng đoàn thanh tra, chịu trách nhiệm trước Trưởng đoàn thanh tra và trước pháp luật về tính chính xác, trung thực, khách quan của nội dung đã báo cáo
Nhiệm vụ, quyền hạn của thành viên Đoàn thanh tra, Thanh tra viên, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành khi tiến hành thanh tra độc lập
1. Thanh tra viên, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành khi tiến hành thanh tra theo Đoàn có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
a) Thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công của Trưởng đoàn thanh tra;
b) Yêu cầu đối tượng thanh tra cung cấp thông tin, tài liệu, báo cáo bằng văn bản, giải trình về vấn đề liên quan đến nội dung thanh tra; yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung thanh tra cung cấp thông tin, tài liệu đó;
c) Kiến nghị Trưởng đoàn thanh tra áp dụng biện pháp thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Trưởng đoàn thanh tra quy định tại Điều 53 của Luật này để bảo đảm thực hiện nhiệm vụ được giao;
d) Xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính;
đ) Kiến nghị việc xử lý về vấn đề khác liên quan đến nội dung thanh tra;
e) Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao với Trưởng đoàn thanh tra, chịu trách nhiệm trước pháp luật và Trưởng đoàn thanh tra về tính chính xác, trung thực, khách quan của nội dung đã báo cáo.
2. Trong quá trình thanh tra, các thành viên khác của Đoàn thanh tra thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại các điểm a, b, c, đ và e khoản 1 Điều này.
3. Thanh tra viên, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành khi tiến hành thanh tra độc lập có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
a) Yêu cầu đối tượng thanh tra xuất trình giấy phép, đăng ký kinh doanh, chứng chỉ hành nghề và cung cấp thông tin, tài liệu, báo cáo bằng văn bản, giải trình về vấn đề liên quan đến nội dung thanh tra; yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung thanh tra cung cấp thông tin, tài liệu đó;
b) Lập biên bản về việc vi phạm của đối tượng thanh tra;
c) Xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính;
d) Báo cáo Chánh Thanh tra, Thủ trưởng cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về việc thực hiện nhiệm vụ được phân công; chịu trách nhiệm trước Chánh Thanh tra, Thủ trưởng cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và trước pháp luật về hành vi, quyết định của mình
Trên đây là nội dung tư vấn về nhiệm vụ, quyền hạn của thanh tra viên ngành Lao động - Thương binh và Xã hội. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này vui lòng tham khảo thêm tại Thông tư 14/2015/TT-BLĐTBXH.
Trân trọng!