Quy trình thu hồi Giấy phép đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đề nghị thu hồi Giấy phép
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 8 Thông tư 34/2011/TT-NHNN hướng dẫn về trình tự, thủ tục thu hồi Giấy phép và thanh lý tài sản của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; trình tự, thủ tục thu hồi Giấy phép văn phòng đại diện của tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành thì quy trình thu hồi Giấy phép đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đề nghị thu hồi Giấy phép được quy định như sau:
a) Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải:
- Xây dựng Phương án thanh lý. Phương án thanh lý phải được cơ quan có thẩm quyền quyết định thông qua.
- Lập một (01) bộ hồ sơ theo quy định tại Điều 9 Thông tư này gửi Ngân hàng Nhà nước (Cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng).
b) Trong thời hạn tối đa mười lăm (15) ngày làm việc kể từ ngày nhận được đủ hồ sơ theo quy định tại Điều 9 Thông tư này, Cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng có trách nhiệm thẩm định hồ sơ và có văn bản lấy ý kiến của:
- Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh về:
(i) Thực trạng tổ chức và hoạt động và khả năng thanh toán hết nợ;
(ii) Quan điểm về việc thu hồi Giấy phép, kiến nghị các biện pháp xử lý sau khi thu hồi Giấy phép;
(iii) Danh sách Hội đồng thanh lý;
(iv) Trường hợp đồng ý việc thu hồi Giấy phép, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh cử cán bộ tham gia Tổ giám sát thanh lý theo quy định tại Thông tư này.
- Ủy ban nhân dân về:
(i) Ảnh hưởng của việc thu hồi Giấy phép đối với sự ổn định kinh tế xã hội trên địa bàn; và
(ii) Quan điểm về việc thu hồi Giấy phép.
- Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam về:
(i) Thực trạng tổ chức và hoạt động và khả năng thanh toán hết nợ;
(ii) Tình hình nộp phí Bảo hiểm tiền gửi và số dư tiền gửi được bảo hiểm theo bảng tính phí gần nhất; khả năng nguồn vốn chi trả bảo hiểm và hướng bổ sung nguồn vốn chi trả khi cần thiết;
(iii) Quan điểm về việc thu hồi Giấy phép, kiến nghị các phương thức chi trả tiền gửi được bảo hiểm sau khi thu hồi Giấy phép;
(iv) Ảnh hưởng của việc thu hồi Giấy phép đối với quyền lợi của người gửi tiền, đối với sự an toàn của hệ thống ngân hàng.
- Các đơn vị có liên quan thuộc Ngân hàng Nhà nước về quan điểm thu hồi Giấy phép và kiến nghị các biện pháp xử lý sau khi thu hồi Giấy phép (nếu xét thấy cần thiết).
c) Trong thời hạn tối đa mười lăm (15) ngày làm việc kể từ ngày nhận được đề nghị của Cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng, các đơn vị trên đây phải có văn bản tham gia ý kiến về các nội dung đã được đề nghị, gửi Cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng. Quá thời hạn này, các đơn vị không có ý kiến coi như đồng ý việc thu hồi giấy phép.
d) Trong thời hạn tối đa mười (10) ngày làm việc kể từ ngày nhận được đầy đủ ý kiến tham gia của các đơn vị nêu tại Điểm b Khoản 1 Điều này, Cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng tổng hợp ý kiến, đề xuất quan điểm, trình Thống đốc:
- Ra quyết định thu hồi Giấy phép, yêu cầu tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tiến hành thanh lý tài sản; đồng thời thành lập Hội đồng thanh lý, Tổ giám sát thanh lý tài sản khi xét thấy phương án thanh lý tài sản của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chứng minh được khả năng thanh toán hết nợ và đảm bảo quyền lợi cho khách nợ, chủ nợ; hoặc
- Có văn bản yêu cầu tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, báo cáo, giải trình các nội dung có liên quan (nếu có).
đ) Trong thời hạn tối đa mười (10) ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản giải trình của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng xem xét, đề xuất ý kiến, trình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước xử lý theo quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều này.
e) Trong thời hạn tối đa năm (05) ngày làm việc kể từ ngày nhận được tờ trình của Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, Thống đốc xem xét, quyết định đề nghị của Cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng tại Điểm d và Điểm đ khoản 1 Điều này.
Trên đây là nội dung tư vấn về quy trình thu hồi Giấy phép đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đề nghị thu hồi Giấy phép. Để biết thêm thông tin chi tiết, bạn nên tham khảo thêm tại Thông tư 34/2011/TT-NHNN.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật