Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm gì trong quản lý nhà nước đối với cơ sở trợ giúp xã hội?
Ngày 01/11/2017, Nghị định 103/2017/NĐ-CP quy định về thành lập, tổ chức, hoạt động, giải thể và quản lý cơ sở trợ giúp xã hội chính thức có hiệu lực. Nghị định này quy định về thành lập, tổ chức, hoạt động, giải thể và quản lý các cơ sở trợ giúp xã hội.
Theo đó, trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp trong quản lý nhà nước đối với cơ sở trợ giúp xã hội là một trong những nội dung trọng tâm và được quy định tại Điều 50 Nghị định 103/2017/NĐ-CP. Cụ thể bao gồm:
1. Bố trí kinh phí hoạt động của các cơ sở trợ giúp xã hội công lập theo quy định của Luật ngân sách nhà nước và các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn.
2. Bố trí kinh phí nuôi dưỡng các đối tượng bảo trợ xã hội được tiếp nhận vào cơ sở trợ giúp xã hội công lập và ngoài công lập theo quy định của pháp luật.
3. Rà soát, sắp xếp, kiện toàn các cơ sở trợ giúp xã hội trên địa bàn bảo đảm các tiêu chuẩn, điều kiện hoạt động theo quy định tại Nghị định này.
4. Chỉ đạo các cơ quan chức năng cấp giấy phép hoạt động cho các cơ sở trợ giúp xã hội công lập và ngoài công lập đủ điều kiện.
5. Trong thời hạn 01 năm, nếu cơ sở không đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện hoạt động theo quy định thì thực hiện thủ tục sáp nhập hoặc giải thể cơ sở.
Trên đây là nội dung tư vấn đối với thắc mắc của bạn về trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp trong quản lý nhà nước đối với cơ sở trợ giúp xã hội. Để hiểu chi tiết hơn về vấn đề này, bạn vui lòng tham khảo thêm tại Nghị định 103/2017/NĐ-CP.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật