Ai có quyền dừng trợ giúp đối với các đối tượng được trợ giúp xã hội?
Ngày 01/11/2017, Nghị định 103/2017/NĐ-CP quy định về thành lập, tổ chức, hoạt động, giải thể và quản lý cơ sở trợ giúp xã hội chính thức có hiệu lực. Nghị định này quy định về thành lập, tổ chức, hoạt động, giải thể và quản lý các cơ sở trợ giúp xã hội.
Theo đó, thẩm quyền dừng trợ giúp xã hội là một trong những nội dung trọng tâm và được quy định tại Khoản 1 Điều 43 Nghị định 103/2017/NĐ-CP. Cụ thể như sau:
Thẩm quyền dừng trợ giúp xã hội: Người đứng đầu cơ sở trợ giúp xã hội quyết định dừng trợ giúp xã hội đối với đối tượng.
Liên quan đến nội dung này, để bạn nắm rõ hơn vấn đề, Ban biên tập gửi tới bạn một số thông tin về điều kiện dừng trợ giúp xã hội bao gồm:
- Kết thúc quản lý trường hợp theo quyết định của người đứng đầu cơ sở;
- Người giám hộ, gia đình hoặc gia đình, cá nhân nhận chăm sóc, nuôi dưỡng có đơn đề nghị;
- Đối tượng được nhận làm con nuôi theo quy định của pháp luật con nuôi;
- Đối tượng đủ 18 tuổi. Trường hợp từ 18 tuổi trở lên đang học các cấp học phổ thông, học nghề, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học thì tiếp tục được chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở cho đến khi tốt nghiệp văn bằng thứ nhất nhưng không quá 22 tuổi;
- Cơ sở không có khả năng cung cấp dịch vụ trợ giúp xã hội phù hợp cho đối tượng;
- Đối tượng không liên hệ trong vòng 1 tháng;
- Đối tượng đề nghị dừng hoạt động trợ giúp xã hội;
- Đối tượng chết hoặc mất tích theo quy định của pháp luật;
- Kết thúc hợp đồng cung cấp dịch vụ trợ giúp xã hội;
-Trường hợp khác theo quy định của pháp luật.
Như vậy, pháp luật hiện hành trao thẩm quyền dừng trợ giúp xã hội cho người đứng đầu cơ sở trợ giúp xã hội.
Trên đây là nội dung tư vấn đối với thắc mắc của bạn về thẩm quyền dừng trợ giúp xã hội. Để hiểu chi tiết hơn về vấn đề này, bạn vui lòng tham khảo thêm tại Nghị định 103/2017/NĐ-CP.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật