Khi nào thì cơ sở trợ giúp xã hội bị tạm đình chỉ hoạt động?
Ngày 01/11/2017, Nghị định 103/2017/NĐ-CP quy định về thành lập, tổ chức, hoạt động, giải thể và quản lý cơ sở trợ giúp xã hội chính thức có hiệu lực. Nghị định này quy định về thành lập, tổ chức, hoạt động, giải thể và quản lý các cơ sở trợ giúp xã hội.
Theo đó, các trường hợp tạm đình chỉ hoạt động của cơ sở trợ giúp xã hội là một trong những nội dung trọng tâm và được quy định tại Khoản 1 Điều 32 Nghị định 103/2017/NĐ-CP. Cụ thể bao gồm:
Trong quá trình hoạt động, cơ sở không bảo đảm đủ một trong các điều kiện quy định tại Điều 26 Nghị định này thì bị tạm đình chỉ hoạt động trong thời gian tối đa 6 tháng để kiện toàn các điều kiện hoạt động.
Cụ thể là các điều kiện:
- Cơ sở trợ giúp xã hội công lập được thành lập theo quy định tại Mục 1 Chương III Nghị định này; cơ sở trợ giúp xã hội ngoài công lập được cấp giấy chứng nhận đăng ký thành lập theo quy định tại Mục 2 Chương III Nghị định này hoặc cơ sở trợ giúp xã hội được thành lập hợp pháp theo quy định của pháp luật về tổ chức, hoạt động và quản lý hội hoặc cơ sở trợ giúp xã hội được thành lập theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp.
- Người đứng đầu cơ sở phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; có phẩm chất đạo đức tốt, không mắc tệ nạn xã hội và không thuộc đối tượng bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đã bị kết án mà chưa được xóa án tích.
- Có nhân viên trực tiếp tư vấn, chăm sóc đối tượng.
- Trường hợp cơ sở có chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng thì ngoài các điều kiện quy định tại khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều 26 Nghị định này còn phải bảo đảm các điều kiện về cơ sở vật chất và nhân lực quy định tại Mục 1 Chương IV Nghị định này.
Liên quan đến nội dung này, để bạn nắm rõ hơn vấn đề, Ban biên tập gửi tới bạn một số thông tin về các trường hợp thu hồi giấy phép hoạt động của cơ sở trợ giúp xã hội bao gồm:
- Giấy phép hoạt động được cấp cho cơ sở không đúng thẩm quyền hoặc không đúng quy định của pháp luật;
- Sau 12 tháng, kể từ ngày được cấp giấy phép hoạt động nhưng cơ sở không hoạt động;
- Cơ sở thay đổi mục đích hoạt động không theo quy định của pháp luật;
- Hết thời hạn tạm đình chỉ mà cơ sở vẫn không bảo đảm đủ điều kiện theo quy định;
- Cơ sở vi phạm nghiêm trọng các hoạt động được ghi trong giấy phép hoạt động.
Cũng theo quy định này, cơ sở phải có trách nhiệm giải quyết quyền lợi của đối tượng khi cơ sở bị tạm đình chỉ hoặc thu hồi giấy phép hoạt động.
Trên đây là nội dung tư vấn đối với thắc mắc của bạn về các trường hợp tạm đình chỉ hoạt động của cơ sở trợ giúp xã hội. Để hiểu chi tiết hơn về vấn đề này, bạn vui lòng tham khảo thêm tại Nghị định 103/2017/NĐ-CP.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật