Cơ sở trợ giúp xã hội phục vụ cho những đối tượng nào?

Đối tượng phục vụ của cơ sở trợ giúp xã hội được quy định như thế nào? Xin chào các chuyên gia Thư Ký Luật. Em là sinh viên trường Đại học Văn hóa Hà Nội. Trong quá trình học, em có tìm hiểu thêm về tổ chức và hoạt động của các cơ sở trợ giúp xã hội. Tuy nhiên, một vài vấn đề em chưa nắm rõ, mong được giải đáp. Cho em hỏi, hiện nay, hoạt động của cơ sở trợ giúp xã hội phục vụ cho những đối tượng nào? Nội dung này em có thể tham khảo thêm tại đâu? Rất mong sớm nhận được hồi âm từ Quý chuyên gia. Em xin chân thành cảm ơn và kính chúc sức khỏe! Thế Tài (tai***@gmail.com)

Ngày 01/11/2017, Nghị định 103/2017/NĐ-CP quy định về thành lập, tổ chức, hoạt động, giải thể và quản lý cơ sở trợ giúp xã hội chính thức có hiệu lực. Nghị định này quy định về thành lập, tổ chức, hoạt động, giải thể và quản lý các cơ sở trợ giúp xã hội.

Theo đó, đối tượng phục vụ của cơ sở trợ giúp xã hội là một trong những nội dung trọng tâm và được quy định tại Điều 6 Nghị định 103/2017/NĐ-CP. Cụ thể bao gồm:

1. Đối tượng bảo trợ xã hội quy định tại khoản 1 Điều 25 Nghị định số 136/2013/NĐ-CP ngày 21 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội.

2. Đối tượng cần bảo vệ khẩn cấp bao gồm:

a) Nạn nhân của bạo lực gia đình; nạn nhân bị xâm hại tình dục; nạn nhân bị buôn bán; nạn nhân bị cưỡng bức lao động;

b) Trẻ em, người lang thang xin ăn trong thời gian chờ đưa về nơi cư trú.

3. Người chưa thành niên không có nơi cư trú ổn định bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn theo quy định tại Luật xử lý vi phạm hành chính ngày 20 tháng 6 năm 2012, Nghị định số111/2013/NĐ-CP ngày 30 tháng 9 năm 2013 của Chính phủ quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn và Nghị định số 56/2016/NĐ-CP ngày 29 tháng 6 năm 2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 111/2013/NĐ-CP ngày 30 tháng 9 năm 2013 của Chính phủ quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn.

4. Những người không thuộc diện đối tượng bảo trợ xã hội quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 Điều này nhưng có nhu cầu được trợ giúp xã hội, tự nguyện đóng góp kinh phí hoặc có người thân, người nhận bảo trợ đóng góp kinh phí (sau đây gọi chung là đối tượng tự nguyện).

5. Các đối tượng khác theo chương trình, đề án hỗ trợ hoặc do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định.

Trên đây là nội dung tư vấn đối với thắc mắc của bạn về đối tượng phục vụ của cơ sở trợ giúp xã hội. Để hiểu chi tiết hơn về vấn đề này, bạn vui lòng tham khảo thêm tại Nghị định 103/2017/NĐ-CP.

Trân trọng!

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào