Việc trao đổi thông tin về tình trạng pháp lý của tài sản bảo đảm được tiến hành trong phạm vi nào?
Từ ngày 15/10/2017, Nghị định 102/2017/NÐ-CP về đăng ký biện pháp bảo đảm chính thức có hiệu lực thi hành. Nghị định này quy định thủ tục đăng ký biện pháp bảo đảm, cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm bằng tài sản (sau đây gọi chung là đăng ký cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm); quản lý nhà nước về đăng ký biện pháp bảo đảm
Theo đó, phạm vi thông tin về tài sản bảo đảm được trao đổi là một trong những nội dung trọng tâm và được quy định tại Khoản 3 Điều 63 Nghị định 102/2017/NÐ-CP. Cụ thể như sau:
a) Thông tin do cơ quan đăng ký biện pháp bảo đảm trao đổi bao gồm: bên bảo đảm và bên nhận bảo đảm; tài sản bảo đảm là phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, phương tiện thủy nội địa, phương tiện giao thông đường sắt, quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, tàu bay, tàu biển; thời điểm đăng ký biện pháp bảo đảm;
b) Thông tin do cơ quan thi hành án dân sự, Văn phòng thừa phát lại trao đổi bao gồm: Quyết định kê biên hoặc Quyết định giải tỏa kê biên tài sản thi hành án; người phải thi hành án và chủ sở hữu tài sản; tài sản kê biên.
Cũng theo quy định này, nguyên tắc trao đổi thông tin về tình trạng pháp lý của tài sản bảo đảm được yêu cầu như sau:
- Việc trao đổi thông tin phải kịp thời, đầy đủ, chính xác; thông tin trao đổi được sử dụng đúng mục đích, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan;
- Việc trao đổi, quản lý và sử dụng thông tin được thực hiện đúng thời hạn, thủ tục quy định tại Nghị định này và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.
Trên đây là nội dung tư vấn đối với thắc mắc của bạn về phạm vi thông tin về tài sản bảo đảm được trao đổi. Để hiểu chi tiết hơn vấn đề này, bạn vui lòng tham khảo thêm tại Nghị định 102/2017/NÐ-CP.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật