Đăng ký đơn quốc tế theo PCT
1. Cơ quan có thẩm quyền nhận đơn quốc tế về sáng chế tại Việt Nam là Cục Sở hữu trí tuệ.
Cục Sở hữu trí tuệ có trách nhiệm:
a) Nhận đơn quốc tế nguồn gốc Việt Nam;
b) Thu phí gửi đơn quốc tế và thông báo các khoản lệ phí theo quy định để người nộp đơn chuyển cho Văn phòng quốc tế và Cơ quan tra cứu quốc tế theo quy định của Hiệp ước hợp tác về sáng chế - PCT (sau đây gọi là “Hiệp ước”);
c) Kiểm tra các khoản lệ phí có được nộp đúng hạn hay không;
d) Kiểm tra và xử lý đơn quốc tế nguồn gốc Việt Nam theo quy định của Hiệp ước;
e) Xác định đối tượng yêu cầu bảo hộ: nếu đối tượng yêu cầu bảo hộ của đơn thuộc diện bí mật quốc gia thì không tiến hành tiếp các công việc tiếp theo và các khoản lệ phí sẽ được hoàn trả cho người nộp đơn, trừ lệ phí gửi và lệ phí sao đơn quốc tế;
f) Gửi một bản (bản hồ sơ) của đơn quốc tế nguồn gốc Việt Nam cho Văn phòng quốc tế và một bản (bản tra cứu) cho cơ quan tra cứu quốc tế;
g) Gửi và nhận thư từ người nộp đơn và từ các cơ quan quốc tế.
2. Ngôn ngữ
Đơn quốc tế nguồn gốc Việt Nam nộp cho Cục Sở hữu trí tuệ phải được làm bằng tiếng Anh. Mỗi đơn được làm thành 03 bản.
Trong trường hợp không đủ số bản quy định, Cục Sở hữu trí tuệ sao thêm cho đủ số bản cần thiết và người nộp đơn phải nộp phí sao đơn quốc tế.
3. Cơ quan tra cứu quốc tế và cơ quan xét nghiệm sơ bộ quốc tế
Đối với các đơn quốc tế nguồn gốc Việt Nam, các cơ quan tra cứu quốc tế và các cơ quan xét nghiệm sơ bộ quốc tế có thẩm quyền là các cơ quan sáng chế, cơ quan sở hữu công nghiệp hoặc sở hữu trí tuệ của Ôx-trây-li-a, Áo, Liên bang Nga, Thụy Điển, Hàn Quốc và Cơ quan Sáng chế châu Âu.
4. Đơn quốc tế có chỉ định Việt Nam
a) Nếu trong đơn quốc tế có chỉ định Việt Nam thì Cục Sở hữu trí tuệ sẽ là Cơ quan được chỉ định. Trong trường hợp này, để được vào Giai đoạn quốc gia, trong thời hạn 31 tháng kể từ ngày ưu tiên người nộp đơn phải nộp cho Cục Sở hữu trí tuệ:
(i) Tờ khai yêu cầu đăng ký sáng chế, làm theo mẫu 01-SC quy định tại Phụ lục A của Thông tư 01/2007/TT-BKHCN;
(ii) Bản sao đơn quốc tế (trường hợp người nộp đơn yêu cầu vào giai đoạn quốc gia trước ngày công bố quốc tế);
(iii) Bản dịch ra tiếng Việt của đơn quốc tế: bản mô tả, gồm phần mô tả, yêu cầu bảo hộ, chú thích các hình vẽ và bản tóm tắt (bản công bố hoặc bản gốc nộp ban đầu, nếu đơn chưa được công bố và bản sửa đổi và bản giải thích phần sửa đổi, nếu đơn quốc tế có sửa đổi theo Điều 19 của Hiệp ước);
(iv) Phí và lệ phí quốc gia.
b) Đơn quốc tế nộp vào Cục Sở hữu trí tuệ trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày kết thúc thời hạn quy định trên đây có thể được chấp nhận với điều kiện người nộp đơn nộp phí, lệ phí theo quy định.
5. Đơn quốc tế có chọn Việt Nam
a) Nếu trong đơn quốc tế có chọn Việt Nam thì Cục Sở hữu trí tuệ sẽ là cơ quan được chọn. Trong trường hợp này, nếu việc chọn Việt Nam được tiến hành trong thời hạn 19 tháng kể từ ngày ưu tiên, để được vào giai đoạn quốc gia, trong thời hạn 31 tháng kể từ ngày ưu tiên, người nộp đơn phải nộp cho Cục Sở hữu trí tuệ các tài liệu sau đây:
(i) Tờ khai yêu cầu đăng ký sáng chế, làm theo mẫu 01-SC quy định tại Phụ lục A của Thông tư 01/2007/TT-BKHCN;
(ii) Bản dịch ra tiếng Việt của đơn quốc tế: bản mô tả, gồm phần mô tả, yêu cầu bảo hộ, chú thích các hình vẽ và bản tóm tắt (bản công bố hoặc bản gốc nộp ban đầu, nếu đơn chưa được công bố và bản sửa đổi và bản giải thích phần sửa đổi, nếu đơn quốc tế có sửa đổi theo Điều 19 và/hoặc Điều 34(2)(b) của Hiệp ước);
(iii) Bản dịch ra tiếng Việt của các phụ lục báo cáo xét nghiệm sơ bộ quốc tế (khi có yêu cầu xét nghiệm nội dung đơn);
(iv) Phí và lệ phí quốc gia.
b) Đơn quốc tế nộp vào Cục Sở hữu trí tuệ trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày kết thúc thời hạn quy định trên đây có thể được chấp nhận với điều kiện người nộp đơn nộp lệ phí theo quy định.
6. Yêu cầu hưởng quyền ưu tiên
Để được hưởng quyền ưu tiên, người nộp đơn phải khẳng định lại điều đó trong tờ khai, nộp phí xin hưởng quyền ưu tiên và theo yêu cầu của Cục Sở hữu trí tuệ, phải nộp bản dịch ra tiếng Việt của các tài liệu đã nộp cho Văn phòng quốc tế các tài liệu cần thiết theo Quy tắc 17.1(a) của Quy chế thi hành Hiệp ước.
Đối với đơn PCT, việc xử lý yêu cầu hưởng quyền ưu tiên phù hợp với Hiệp ước PCT và Quy chế thi hành Hiệp ước.
Thư Viện Pháp Luật