Những trường hợp nào việc đăng ký trực tuyến biện pháp bảo đảm không có giá trị pháp lý?

Trường hợp đăng ký trực tuyến biện pháp bảo đảm không có giá trị pháp lý được quy định như thế nào? Xin chào các chuyên gia Thư Ký Luật. Em là sinh viên khoa Luật Kinh tế, trường Đại học Luật Hà Nội. Trong quá trình học, em có tìm hiểu thêm về hồ sơ, thủ tục thực hiện đăng ký biện pháp bảo đảm. Qua một số tài liệu, em được biết, hiện nay việc đăng ký biện pháp bảo đảm có thể được tiến hành đăng ký trực tuyến. Vậy theo quy định pháp luật hiện hành thì những trường hợp nào việc đăng ký trực tuyến biện pháp bảo đảm không có giá trị pháp lý? Nội dung này em có thể tham khảo thêm tại đâu? Rất mong sớm nhận được phản hồi từ Quý chuyên gia. Em xin chân thành cảm ơn và kính chúc sức khỏe! Hồng Anh (anh***@gmail.com)

Từ ngày 15/10/2017, Nghị định 102/2017/NÐ-CP về đăng ký biện pháp bảo đảm chính thức có hiệu lực thi hành. Nghị định này quy định thủ tục đăng ký biện pháp bảo đảm, cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm bằng tài sản (sau đây gọi chung là đăng ký cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm); quản lý nhà nước về đăng ký biện pháp bảo đảm.

Theo đó, trường hợp đăng ký trực tuyến biện pháp bảo đảm không có giá trị pháp lý là một trong những nội dung trọng tâm và được quy định tại Khoản 1 Điều 57 Nghị định 102/2017/NÐ-CP. Cụ thể như sau:

Việc đăng ký trực tuyến biện pháp bảo đảm không có giá trị pháp lý khi thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 15 của Nghị định này. Cụ thể là các trường hợp:

- Không thuộc thẩm quyền đăng ký;

-  Khi phát hiện thông tin trong hồ sơ đăng ký không phù hợp với thông tin được lưu giữ tại cơ quan đăng ký hoặc có giấy tờ giả mạo;

- Người yêu cầu đăng ký không nộp phí đăng ký, trừ trường hợp không phải nộp phí đăng ký theo quy định của pháp luật;

- Tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất, nhà ở không đủ điều kiện thế chấp theo quy định của Luật đất đai và Luật nhà ở. Trường hợp tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất, nhà ở có tranh chấp, thì cơ quan đăng ký chỉ từ chối đăng ký khi đã có văn bản thụ lý hoặc văn bản chứng minh việc thụ lý giải quyết tranh chấp của cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết tranh chấp;

- Kê khai nội dung đăng ký không đúng quy định của pháp luật;

- Yêu cầu đăng ký thay đổi, đăng ký văn bản thông báo về việc xử lý tài sản bảo đảm, yêu cầu sửa chữa sai sót trong trường hợp đã xóa đăng ký biện pháp bảo đảm;

- Khi cơ quan đăng ký nhận được văn bản của Chấp hành viên của cơ quan thi hành án dân sự hoặc Thừa phát lại của Văn phòng thừa phát lại yêu cầu tạm dừng hoặc dừng việc đăng ký đối với tài sản bảo đảm mà bên bảo đảm là người phải thi hành án theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự;

- Khi cơ quan đăng ký nhận được văn bản thông báo về việc kê biên tài sản thi hành án là tài sản bảo đảm do cơ quan thi hành án hoặc Văn phòng thừa phát lại gửi đến.

Trên đây là nội dung tư vấn đối với thắc mắc của bạn về trường hợp đăng ký trực tuyến biện pháp bảo đảm không có giá trị pháp lý. Để hiểu chi tiết hơn vấn đề này, bạn vui lòng tham khảo thêm tại Nghị định 102/2017/NÐ-CP.

Trân trọng!

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào