Thủ tục chuyển tiếp đăng ký thế chấp quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng mua bán nhà ở
Từ ngày 15/10/2017, Nghị định 102/2017/NÐ-CP về đăng ký biện pháp bảo đảm chính thức có hiệu lực thi hành. Nghị định này quy định thủ tục đăng ký biện pháp bảo đảm, cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm bằng tài sản (sau đây gọi chung là đăng ký cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm); quản lý nhà nước về đăng ký biện pháp bảo đảm.
Theo đó, thủ tục chuyển tiếp đăng ký thế chấp quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng mua bán nhà ở là một trong những nội dung trọng tâm và được quy định tại Điều 49 Nghị định 102/2017/NÐ-CP. Cụ thể như sau:
1. Trong thời hạn giải quyết hồ sơ, Văn phòng đăng ký đất đai thực hiện các công việc sau:
a) Ghi chuyển tiếp đăng ký thế chấp quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng mua bán nhà ở và ghi thời điểm đăng ký thế chấp vào sổ đăng ký thế chấp tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai (đối với trường hợp chuyển tiếp đăng ký thế chấp quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng mua bán nhà ở sang đăng ký thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai); ghi chuyển tiếp đăng ký thế chấp quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng mua bán nhà ở và ghi thời điểm đăng ký thế chấp vào Sổ địa chính, Giấy chứng nhận đã cấp (đối với trường hợp chuyển tiếp đăng ký thế chấp quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng mua bán nhà ở sang đăng ký thế chấp nhà ở do nhà ở hình thành trong tương lai đã hình thành);
b) Ghi chuyển tiếp đăng ký thế chấp quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng mua bán nhà ở và ghi thời điểm đăng ký thế chấp vào phiếu yêu cầu chuyển tiếp đăng ký thế chấp;
c) Gửi bản sao phiếu yêu cầu chuyển tiếp đăng ký thế chấp thể hiện nội dung quy định tại điểm a khoản này và văn bản cung cấp thông tin quy định tại điểm b khoản 1 Điều 46 của Nghị định này cho Trung tâm Đăng ký để thực hiện xóa đăng ký thế chấp quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng mua bán nhà ở;
d) Trả lại phiếu yêu cầu chuyển tiếp đăng ký thế chấp đã thể hiện nội dung quy định tại điểm b khoản này cho người yêu cầu đăng ký.
2. Đối với các trường hợp đã đăng ký thế chấp quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng mua bán, chuyển nhượng tài sản gắn liền với đất không phải là nhà ở mà có yêu cầu chuyển tiếp sang đăng ký thế chấp tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai hoặc sang đăng ký thế chấp tài sản gắn liền với đất do tài sản đã hình thành, thì người yêu cầu đăng ký thực hiện thủ tục chuyển tiếp đăng ký như hồ sơ, thủ tục chuyển tiếp đăng ký thế chấp quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng mua bán nhà ở quy định tại Điều 46 của Nghị định này và khoản 1 Điều này.
Trên đây là nội dung tư vấn đối với thắc mắc của bạn về thủ tục chuyển tiếp đăng ký thế chấp quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng mua bán nhà ở. Để hiểu chi tiết hơn vấn đề này, bạn vui lòng tham khảo thêm tại Nghị định 102/2017/NÐ-CP.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật