Việc nghiệm thu bảo vệ rừng thuộc công trình lâm sinh được quy định như thế nào?
Việc nghiệm thu bảo vệ rừng thuộc công trình lâm sinh được quy định tại Điều 15 Thông tư 23/2016/TT-BNNPTNT hướng dẫn nội dung quản lý công trình lâm sinh do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành như sau:
1. Thời gian nghiệm thu được tiến hành vào cuối năm kế hoạch, hoàn thành chậm nhất vào tháng 01 năm sau.
2. Nội dung, phương pháp nghiệm thu: kiểm tra thực địa toàn bộ diện tích, căn cứ bản đồ thiết kế để xác định vị trí, ranh giới, tỷ lệ kết quả thực hiện, cụ thể:
a) Trường hợp 100% diện tích rừng không bị tác động phá hoại: được nghiệm thu và thanh toán 100% giá trị hợp đồng.
b) Trường hợp rừng bị phá hoại (chặt phá, xâm lấn, phát, đốt rừng làm nương, rẫy, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng trái pháp luật...), căn cứ tình hình cụ thể sẽ xác định thanh toán giá trị thực hiện hợp đồng theo tỷ lệ, cụ thể:
Người nhận khoán bảo vệ rừng, người nhận hỗ trợ kinh phí bảo vệ rừng được giao phát hiện rừng bị xâm hại và báo ngay cho cơ quan có thẩm quyền (bên giao khoán hoặc chính quyền địa phương hoặc kiểm lâm địa bàn): hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ rừng và được thanh toán tiền công bảo vệ theo hợp đồng.
Người nhận khoán bảo vệ rừng, người nhận hỗ trợ kinh phí bảo vệ rừng được giao không phát hiện được rừng bị xâm hại, hoặc phát hiện nhưng không báo cho cơ quan có thẩm quyền: được thanh toán tiền công bảo vệ đối với diện tích rừng không bị xâm hại; đối với diện tích rừng bị xâm hại thì tùy theo mức độ, sẽ được xử lý theo quy định của pháp luật.
Trên đây là nội dung tư vấn về việc nghiệm thu bảo vệ rừng thuộc công trình lâm sinh. Để có thể hiểu chi tiết hơn về quy định này bạn vui lòng tham khảo thêm tại Thông tư 23/2016/TT-BNNPTNT.
Trân trọng thông tin đến bạn!