Phụ gia sử dụng khi thử nghiệm nhiên liệu hàng không
Phụ gia sử dụng khi thử nghiệm nhiên liệu hàng không được quy định tại Điều 8 Thông tư 38/2014/TT-BGTVT về bảo đảm kỹ thuật nhiên liệu hàng không tại Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành như sau:
1. Quy định chung
a) Phụ gia phải là loại được chấp nhận trong các tiêu chuẩn kỹ thuật về nhiên liệu quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này và trong các tiêu chuẩn kỹ thuật của nhà sản xuất tàu bay và động cơ. Khi tiếp nhận nhiên liệu, phải có tài liệu chứng minh chủng loại phụ gia sử dụng.
b) Phụ gia phải được bảo quản và kiểm soát theo khuyến cáo của nhà sản xuất.
c) Trường hợp bắt buộc phải pha bổ sung phụ gia vào nhiên liệu Jet A-1 theo các quy định sau: các chất phụ gia chỉ được sử dụng khi đã được các nhà sản xuất tàu bay và các nhà sản xuất động cơ phê duyệt theo hàm lượng, thành phần và tổng hàm lượng phụ gia pha vào nhiên liệu. Thực hiện việc pha lần đầu và pha bổ sung phải đúng quy định của tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm.
d) Cơ sở thực hiện việc pha phụ gia phải xây dựng có quy trình, biện pháp và đủ năng lực kiểm soát được chất lượng nhiên liệu và đảm bảo an toàn trong quá trình pha phụ gia theo quy định tại JIG 2 phiên bản hiện hành; phải xác định hàm lượng, lượng phụ gia cần bổ sung cho lô hàng, các dụng cụ, thiết bị sử dụng pha phụ gia và các yêu cầu liên quan. Quy trình pha phụ gia phải được người đứng đầu cơ sở phê duyệt.
2. Tiêu chuẩn và hàm lượng pha phụ gia chống tĩnh điện
a) Xác định hàm lượng phụ gia chống tĩnh điện đã pha vào nhiên liệu qua hồ sơ chất lượng của lô hàng (pha lần đầu, pha bổ sung đã thực hiện), hàm lượng phụ gia còn có thể được pha bổ sung.
b) Độ dẫn điện của nhiên liệu phải phù hợp để nạp vào tàu bay, phải đảm bảo giá trị độ dẫn điện của sản phẩm khi giao nhận là trên mức tối thiểu và phải tính đến sự suy giảm lớn độ dẫn điện tại sân bay.
c) Tại sân bay, không được pha trực tiếp phụ gia chống tĩnh điện vào nhiên liệu chứa trong xi téc xe tra nạp để tra nạp cho tàu bay.
d) Tại kho sân bay, phải chọn các giải pháp phù hợp như: trộn các lô nhiên liệu có độ dẫn điện thấp với các lô nhiên liệu có độ dẫn điện cao đủ để sau khi pha trộn, hỗn hợp nhiên liệu trong bể có độ dẫn điện phù hợp quy định của tiêu chuẩn trước khi tra nạp cho tàu bay. Không thực hiện pha thêm phụ gia chống tĩnh điện vào bể chứa nhiên liệu Jet A-1 tại kho sân bay.
đ) Tại kho đầu nguồn hoặc kho trung chuyển: pha trực tiếp phụ gia chống tĩnh điện trong quá trình nhập hàng vào bể chứa kho đầu nguồn hoặc kho trung chuyển bằng cách phụ gia có thể được đưa vào đáy của các bể chứa trước khi tiếp nhận.
e) Phải ghi rõ trên Chứng nhận kiểm tra lại chất lượng lô hàng hoặc trên phiếu xuất hàng hàm lượng phụ gia đã pha bổ sung.
Trên đây là nội dung quy định về phụ gia sử dụng khi thử nghiệm nhiên liệu hàng không. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này bạn nên tham khảo thêm tại Thông tư 38/2014/TT-BGTVT.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật