Yêu cầu khi hàn điện trong xây dựng được quy định như thế nào?
Tại Tiểu Mục 2.9.2 Mục 2 Thông tư 14/2014/TT-BXD về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia An toàn trong xây dựng do Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành có quy định về yêu cầu khi hàn điện trong xây dựng trong xây dựng như sau:
2.9.2.1 Đấu nối điện từ lưới điện vào máy hàn phải qua cầu dao, dây chảy. Máy hàn phải có thiết bị đóng cắt điện. Khi ngừng sử dụng phải cắt nguồn điện cung cấp cho máy hàn. Việc sử dụng máy hàn điện và công việc hàn điện phải tuân thủ QCVN 03: 2011/BLĐTBXH.
2.9.2.2 Phần kim loại của thiết bị hàn điện (vỏ máy hàn xoay chiều, máy hàn một chiều...) cũng như
các kết cấu và sản phẩm hàn, phải được nối đất bảo vệ.
2.9.2.3 Để dẫn điện hàn tới kìm hàn điện, mỏ hàn phải dùng dây cáp mềm cách điện có tiết diện phù hợp với dòng điện lớn nhất của thiết bị hàn và thời gian kéo dài của một chu trình hàn.
2.9.2.4 Chỗ nối các cáp dẫn điện phải thực hiện bằng phương pháp hàn và bọc cách điện. Việc đấu cáp điện vào thiết bị hàn phải được thực hiện bằng đầu cốt đồng, được bắt bằng bu lông và đính chặt bằng mối hàn thiếc tới thiết bị hàn.
2.9.2.5 Khi di chuyển hoặc đặt các dây điện hàn, không để va chạm làm hỏng vỏ cách điện. Không để cáp điện tiếp xúc với nước, dầu, cáp thép, đường ống có nhiệt độ cao. Khỏang cách từ các đường dây điện hàn đến các đường ống có nhiệt độ cao, các bình ôxy, các thiết bị chứa khí axêtylen hoặc các thiết bị chứa khí cháy khác không được nhỏ hơn 5 m. Chiều dài dây dẫn từ nguồn điện đến máy hàn không được dài quá 15 m.
2.9.2.6 Tiết diện nhỏ nhất của đường dây mát dẫn điện về phải đảm bảo an toàn theo điều kiện đốt nóng do dòng điện hàn đi qua. Mối nối giữa các bộ phận dùng làm dây dẫn về phải đảm bảo chắc chắn bằng cách kẹp, bulông hoặc hàn. Khi hàn trong các phòng có nguy cơ cháy nổ, dây dẫn về phải được cách điện như dây chính.
2.9.2.7 Chuôi kìm hàn phải làm bằng vật liệu cách điện, cách nhiệt tốt. Kìm hàn phải kẹp chắc que hàn. Đối với dòng điện hàn có cường độ 600 A trở lên, không được dùng kìm hàn kiểu dây dẫn luồn trong chuôi kìm.
2.9.2.8 Điện áp tại các kẹp của máy hàn một chiều, máy hàn xoay chiều trong lúc phát hồ quang, không được vượt quá 110 V đối với máy điện một chiều và 70 V đối với máy biến áp xoay chiều.
2.9.2.9 Các máy hàn tiếp xúc cố định phải dùng loại biến áp 1 pha và đấu với lưới điện xoay chiều có tần số 50 Hz và điện áp không được lớn hơn 50 V. Điện áp không tải không vượt quá 36 V.
2.9.2.10 Chỉ được lấy nguồn điện hồ quang từ máy hàn xoay chiều, máy hàn một chiều, máy chỉnh lưu. Không được lấy trực tiếp từ lưới điện.
2.9.2.11 Không được nối và tháo dây ở đầu ra của máy hàn khi còn có điện.
2.9.2.12 Khi hàn trong các thùng kín bằng kim loại, máy hàn phải để ngoài; thợ hàn phải được trang bị mũ cao su, giầy hoặc thảm cách điện và găng tay cao su.
2.9.2.13 Các máy hàn để ngoài trời phải có mái che mưa. Không được hàn ở ngoài trời khi có mưa, bão.
2.9.2.14 Hàn ở nơi có nhiều người cùng làm việc hoặc ở những nơi có nhiều người qua lại phải có tấm chắn làm bằng vật liệu không cháy để ngăn cách bảo vệ những người xung quanh.
2.9.2.15 Trên các máy hàn tiếp xúc kiểu hàn nối, đều phải lắp lá chắn bảo vệ bằng thủy tinh trong suốt để người lao động quan sát quá trình hàn.
2.9.2.16 Chỉ được tiến hành làm sạch các điện cực trên các máy hàn điện và hàn đường sau khi đã cắt điện.
2.9.2.17 Máy hàn đường dùng nước làm nguội con lăn, phải lắp máng để hứng nước. Người lao động khi làm việc, phải đứng trên bục có trải thảm cao su cách điện.
2.9.2.18 Trên các máy hàn điện và hàn đường phải lắp kính che các điện cực ở phía thợ hàn đứng làm việc.
2.9.2.19 Chỉ những thợ hàn được đào tạo mới được phép hàn dưới nước.
2.9.2.20 Trước khi tiến hành công việc hàn dưới nước, phải khảo sát công trình định hàn một cách tỉ mỉ; phải lập biện pháp thi công và được thẩm duyệt thận trọng.
2.9.2.21 Khi hàn dưới nước phải có người nắm vững kỹ thuật an toàn ở trên mặt nước giám sát, liên lạc với người đang hàn dưới nước bằng điện thoại. Máy điện thoại, cầu dao, công tắc ngắt điện phải đặt ở vị trí thuận lợi để kịp thời xử lý sự cố.
2.9.2.22 Nếu trên mặt nước tại khu vực hàn, có váng dầu mỡ thì không được cho thợ hàn xuống làm việc dưới nước.
Trên đây là nội dung câu trả lời về yêu cầu khi hàn điện trong xây dựng theo quy định. Để hiểu rõ và chi tiết hơn về vấn đề này bạn có thể tìm đọc và tham khảo thêm tại Thông tư 14/2014/TT-BXD.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật