Hội đồng xét tuyển đặc cách chức danh nghiên cứu khoa học và chức danh công nghệ

Hội đồng xét tuyển đặc cách chức danh nghiên cứu khoa học và chức danh công nghệ được quy định như thế nào? Chào các anh, chị trong Ban biên tập Thư Ký Luật. Tôi đang tìm hiểu những quy định của pháp luật liên quan đến những chính sách trọng dụng các cá nhân hoạt động trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, nhưng có vài vấn đề tôi không rõ lắm. Nên tôi có một thắc mắc mong nhận được sự giải đáp từ phía anh, chị trong Ban biên tập. Hội đồng xét tuyển đặc cách chức danh nghiên cứu khoa học và chức danh công nghệ được quy định như thế nào? Văn bản nào quy định về vấn đề này? Mong nhận được câu trả lời từ Ban biên tập. Tôi xin chân thành cám ơn Ban biên tập Thư Ký Luật. Yến Chi (0939***)

Hội đồng xét tuyển đặc cách chức danh nghiên cứu khoa học và chức danh công nghệ được quy định tại Điều 8 Thông tư liên tịch 21/2015/TTLT-BKHCN-BNV-BTC hướng dẫn thực hiện sử dụng, trọng dụng cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ - Bộ Nội vụ - Bộ Tài chính ban hành như sau:

1. Hội đồng xét tuyển đặc cách gồm 05 hoặc 07 thành viên.

Thành phần hội đồng xét tuyển đặc cách và bổ nhiệm vào chức danh nghiên cứu khoa học, chức danh công nghệ thực hiện theo quy định tại Khoản 1 và Khoản 2, Điều 8 Thông tư số 15/2012/TT-BNV ngày 25 tháng 12 năm 2012 của Bộ Nội vụ hướng dẫn về tuyển dụng, ký kết hợp đồng làm việc và đền bù chi phí đào tạo, bồi dưỡng đối với viên chức.

Thành viên hội đồng không được là bố, mẹ, vợ, chồng, con, anh, chị, em ruột của người được đề nghị xét tuyển đặc cách và không đang trong quá trình thi hành kỷ luật.

2. Nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng xét tuyển dụng đặc cách:

a) Kiểm tra các điều kiện, tiêu chuẩn và thành tích khoa học và công nghệ quy định tại Điều 5, Điều 6 Thông tư này tương ứng với vị trí việc làm cần tuyển dụng;

b) Phỏng vấn về trình độ hiểu biết chung của người được đề nghị xét tuyển dụng đặc cách gắn với vị trí việc làm cần tuyển dụng.

3. Hội đồng làm việc khi có mặt từ hai phần ba tổng số thành viên trở lên theo nguyên tắc tập thể, biểu quyết theo đa số, có văn bản kèm biên bản kết luận gửi cơ quan có thẩm quyền quản lý viên chức xem xét, quyết định.

4. Hội đồng tự giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ.

Trên đây là nội dung quy định về hội đồng xét tuyển đặc cách chức danh nghiên cứu khoa học và chức danh công nghệ. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này bạn nên tham khảo thêm tại Thông tư liên tịch 21/2015/TTLT-BKHCN-BNV-BTC.

Trân trọng!

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào