Thủ tục xét miễn, giảm thi hành án được quy định như thế nào?
Theo quy định tại Điều 9 Thông tư liên tịch 12/2015/TTLT-BTP-BTC-TANDTC-VKSNDTC hướng dẫn việc miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đối với khoản thu, nộp ngân sách nhà nước do Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành thì thủ tục xét miễn, giảm thi hành án được quy định như sau:
1. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày thụ lý hồ sơ đề nghị xét miễn, giảm thi hành án, Chánh án Tòa án có thẩm quyền xét miễn, giảm thi hành án phân công một Thẩm phán thụ lý hồ sơ và giải quyết việc xét miễn, giảm thi hành án. Thẩm phán được phân công có quyền yêu cầu Viện kiểm sát hoặc cơ quan Thi hành án dân sự giải thích những điểm chưa rõ hoặc bổ sung giấy tờ cần thiết trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu. Quá thời hạn nêu trên, nếu cơ quan được yêu cầu không giải thích hoặc bổ sung giấy tờ cần thiết thì Thẩm phán trả lại hồ sơ cho cơ quan đã đề nghị.
Trường hợp hồ sơ đề nghị xét miễn, giảm bị Tòa án trả lại do chưa đầy đủ hoặc thực hiện không đúng thủ tục, Viện kiểm sát hoặc cơ quan Thi hành án dân sự có trách nhiệm hoàn thiện hồ sơ, thủ tục và đề nghị Tòa án có thẩm quyền xem xét trong kỳ xét miễn, giảm gần nhất.
2. Tổ chức phiên họp xét miễn, giảm thi hành án
Phiên họp xét miễn, giảm thi hành án được tổ chức theo quy định tại Khoản 3 Điều 63 Luật Thi hành án dân sự.
Thẩm phán chủ trì phiên họp xét miễn, giảm thi hành án có trách nhiệm thông báo về thời gian, địa điểm phiên họp xét miễn, giảm cho Viện kiểm sát cùng cấp, cơ quan Thi hành án dân sự đã đề nghị xét miễn, giảm.
3. Quyết định miễn, giảm thi hành án của Tòa án phải có nội dung chính sau:
a) Ngày, tháng, năm ra quyết định;
b) Tên Tòa án ra quyết định;
c) Họ, tên Thẩm phán và đại diện các cơ quan tham gia phiên họp;
d) Họ, tên, nơi cư trú, làm việc, nơi đang chấp hành hình phạt tù của người phải thi hành án (nếu có) và khoản nộp ngân sách nhà nước phải thi hành;
đ) Nhận định của Tòa án và những căn cứ để chấp nhận toàn bộ, chấp nhận một phần hoặc không chấp nhận đề nghị xét miễn, giảm thi hành án của Viện kiểm sát hoặc cơ quan Thi hành án dân sự;
e) Quyết định miễn thi hành án khoản nộp ngân sách nhà nước, số tiền được miễn; quyết định giảm một phần khoản nộp ngân sách nhà nước, số tiền được giảm, số tiền còn phải thi hành; số tiền lãi chậm thi hành án được miễn (nếu có).
4. Quyết định miễn, giảm thi hành án của Tòa án có hiệu lực thi hành kể từ ngày hết thời hạn kháng nghị của Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp theo quy định tại Khoản 1 Điều 64 Luật Thi hành án dân sự mà Viện kiểm sát không kháng nghị.
Trên đây là nội dung tư vấn về thủ tục xét miễn, giảm thi hành án. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này vui lòng tham khảo thêm tại Thông tư liên tịch 12/2015/TTLT-BTP-BTC-TANDTC-VKSNDTC.
Trân trọng!