Yêu cầu chung về quy chuẩn kỹ thuật quốc gia an toàn trong xây dựng
Yêu cầu chung về quy chuẩn kỹ thuật quốc gia an toàn trong xây dựng được quy định tại Tiểu Mục 2.1 Mục 2 Thông tư 14/2014/TT-BXD về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia An toàn trong xây dựng do Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành như sau:
2.1.1 Không được phép thi công khi chưa có đầy đủ các hồ sơ (tài liệu) thiết kế biện pháp kỹ thuật và tổ chức thi công, trong đó phải thể hiện các biện pháp kỹ thuật đảm bảo an toàn lao động và phòng chống cháy, nổ.
2.1.2 Người lao động làm việc trên cao và dưới hầm sâu phải có túi đựng dụng cụ đồ nghề. Không được thả, ném các loại vật liệu, dụng cụ, đồ nghề trên cao xuống.
2.1.3 Chỉ những người lao động được huấn luyện và đáp ứng các yêu cầu về bơi lội mới được làm việc trên sông nước; phải được trang bị đầy đủ thuyền, phao và các dụng cụ cấp cứu cần thiết khác theo đúng chế độ quy định. Đối với thợ lặn phải thực hiện đầy đủ các quy định về chế độ làm việc, bồi dưỡng và bảo vệ sức khoẻ. Tất cả thuyền, phao và các dụng cụ cấp cứu khác phải được kiểm tra để đảm bảo chất lượng trước khi sử dụng.
2.1.4 Người lao động làm việc trên công trường phải sử dụng đúng và đủ các phương tiện bảo vệ cá nhân theo quy định.
GHI CHÚ: Một số ví dụ cụ thể: Về yêu cầu đối với công nhân hàn điện, theo 3.4.2 của QCVN 3: 2011/BLĐTBXH; Về yêu cầu về quản lý sử dụng an toàn thiết bị nâng, theo 3.6 của QCVN 7: 2012/BLĐTBXH...
2.1.5 Khi làm việc trên cao (từ 2 m trở lên) hoặc chưa đến độ cao đó, nhưng dưới chỗ làm việc có các vật chướng ngại nguy hiểm, thì phải trang bị dây an toàn cho người lao động hoặc lưới bảo vệ. Nếu không làm được sàn thao tác có lan can an toàn, không cho phép người lao động làm việc khi chưa đeo dây an toàn.
2.1.6 Không được thi công cùng một lúc ở hai hoặc nhiều tầng trên một phương thẳng đứng, nếu không có thiết bị bảo vệ an toàn cho người làm việc ở dưới.
2.1.7 Không được làm việc trên giàn giáo, ống khói, đài nước, cột điện, trụ hoặc dầm cầu, mái nhà hai tầng trở lên khi mưa to, giông, bão hoặc có gió từ cấp 5 trở lên.
2.1.8 Sau mỗi đợt mưa bão, có gió lớn hoặc sau khi ngừng thi công nhiều ngày, phải kiểm tra lại các điều kiện an toàn trước khi thi công tiếp.
2.1.9 Phải có đủ biện pháp thông gió và phương tiện đề phòng khí độc hoặc sập lở khi làm việc dưới các giếng sâu, hầm ngầm hoặc trong các thùng kín. Trước và trong quá trình làm việc phải có chế độ kiểm tra chặt chẽ và có người trực bên ngoài, nhằm bảo đảm liên lạc thường xuyên giữa bên trong và bên ngoài và kịp thời cấp cứu khi xảy ra tai nạn.
2.1.10 Trên công trường phải bố trí hệ thống đèn chiếu sáng đầy đủ trên các tuyến đường giao thông và các khu vực đang thi công về ban đêm. Không cho phép làm việc ở những chỗ không được chiếu sáng. Chiếu sáng tại chỗ làm việc từ 100 đến 300 lux, chiếu sáng chung từ 30 đến 80 lux.
2.1.11 Phải có hệ thống chống sét bảo vệ toàn bộ công trường trong quá trình thi công xây dựng.
2.1.12 Khi trên công trường xây dựng có nguy cơ phơi nhiễm phóng xạ hoặc ở những công trường xây dựng có chứa các nguồn phóng xạ tự nhiên, cần phải tuân thủ theo quy định hiện hành của Nhà nước về an toàn và kiểm soát bức xạ.
2.1.13 Công trường phải có sổ nhật ký an toàn lao động và ghi đầy đủ tình hình sự cố, tai nạn, biện pháp khắc phục và xử lý trong quá trình thi công.
2.1.14 Trên công trường xây dựng, mọi vị trí làm việc đều phải giữ gọn gàng, ngăn nắp. Các thiết bị, dụng cụ luôn phải đặt đúng nơi quy định. Các chất thải, vật liệu thừa phải được thu dọn thường xuyên.
Trên đây là nội dung câu trả lời về yêu cầu chung về quy chuẩn kỹ thuật quốc gia an toàn trong xây dựng. Để hiểu rõ và chi tiết hơn về vấn đề này bạn có thể tìm đọc và tham khảo thêm tại Thông tư 14/2014/TT-BXD.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật